Hưởng ứng Tuần lễ “Lắng nghe ý kiến người nộp thuế”, sáng 23-5, Báo SGGP và Cục Thuế TPHCM tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc nhằm lắng nghe, trả lời các phản ánh, thắc mắc liên quan đến chính sách thuế; những bức xúc về tác phong, thái độ của cán bộ thuế… nhằm hoàn thiện ngành thuế. Hàng trăm câu hỏi, kiến nghị của bạn đọc đã được lãnh đạo Cục Thuế TPHCM tiếp thu, trả lời tại buổi giao lưu.
Doanh nghiệp nào được giãn, giảm thuế?
Bạn đọc Huỳnh Minh Khang (quận 3) hỏi: DN của chúng tôi là DN nhỏ và vừa, kinh doanh bất động sản. Các năm trước đây chúng tôi không được gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), vậy nay trước tình hình khó khăn này, chúng tôi có được gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) hay không? Ông Nguyễn Trọng Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM đã làm mát lòng DN khi tiết lộ Nghị quyết 13 của Chính phủ đã cho phép gia hạn nộp thuế GTGT 6 tháng đối với DN này.
Trường hợp của bạn đọc Tuyết Nhi (quận 10) thì khác: “Công ty tôi hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giấy, in ấn, sử dụng 400 lao động. Chúng tôi có thuộc diện được gia hạn nộp thuế GTGT tháng 4, 5, 6 năm 2012 không?”. Ông Nguyễn Trọng Hạnh cho biết, theo quy định DN có trên 100 lao động không thuộc DN nhỏ và vừa nên không được gia hạn nộp thuế GTGT 6 tháng.
Bạn đọc Nguyễn Thị Loan hỏi công ty không thuộc đối tượng DN nhỏ và vừa nhưng do khó khăn nên còn nợ thuế TNDN năm 2011 thì có được gia hạn nộp thuế hay không? Ông Nguyễn Trọng Hạnh cho biết, DN sản xuất sản phẩm cơ khí tư liệu sản xuất nếu còn nợ đọng thuế TNDN thì được gia hạn 9 tháng thời hạn nộp thuế theo khoản 3 Nghị quyết 13.
DN nhỏ và vừa được gia hạn nộp thuế, “Vậy HTX thì có được giảm 30% thuế TNDN không?” - bạn đọc Lê Vân (quận 1) lo lắng hỏi. Bà Trần Thị Lệ Nga, Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế TPHCM) giải thích: Việc giảm 30% thuế TNDN năm 2011 đối với DN nhỏ và vừa bao gồm cả HTX (gọi chung là DN nhỏ và vừa).
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Dù các quy định đã được ban hành nhưng trên thực tiễn áp dụng phát sinh nhiều vấn đề mới mà người dân và DN không biết xử lý thế nào.
Bạn đọc ở địa chỉ chungthanhtien@gmail.com hỏi: “Trước 1-3-2012, DN có phát sinh hoạt động chuyển nhượng bất động sản, đã thu tiền của khách hàng được 40%. Vậy cách làm tờ khai tạm nộp thuế TNDN tạm tính như thế nào? Nếu hết năm 2012 DN vẫn chưa bàn giao tài sản cho khách hàng thì DN có phải làm quyết toán thuế TNDN của hoạt động chuyển nhượng bất động sản này không?”.
Ông Đỗ Quốc Tuấn, Phó phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế cho biết, căn cứ Thông tư 130/2008 thì khi thu tiền trước từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, buộc phải lập hóa đơn tính kê khai nộp thuế GTGT, thuế TNDN. Hàng quý, DN căn cứ vào số tiền đã thu của khách hàng (xác định là doanh thu) để lập tờ khai tạm nộp thuế TNDN. Khi công trình hoàn thành bàn giao cho khách hàng thực hiện lập tờ khai quyết toán thuế.
Một trường hợp khá phổ biến là công ty vay của cá nhân có hợp đồng vay có đóng dấu và ký nhận giữa hai bên, khoản vay được công ty sử dụng cho mục đích kinh doanh, có phiếu chi trả lãi vay đầy đủ, có ký nhận giữa hai bên thì có được chấp nhận là chi phí lãi vay được đưa vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ hay không? - bạn đọc ở địa chỉ dohongvan2012@gmail.com hỏi.
Ông Nguyễn Trọng Hạnh đáp: Trường hợp khoản tiền vay đã được sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong kỳ thì chi phí trả lãi đó (chi phí trả lãi tiền vay vốn sản xuất kinh doanh của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay) được đưa vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN. Tuy nhiên khoản trả lãi tiền vay cho cá nhân, công ty phải thực hiện khấu trừ thuế TNCN từ đầu tư vốn là 5% và kê khai, nộp thuế theo quy định.
Các đóng góp làm “sạch” ngành thuế!
Ông Chung Thành Tiến, Giám đốc Công ty TNHH DV Kế toán Đồng Hưng, thắc mắc vấn đề mà ai cũng hiểu rõ đó là sai quy định khi DN nộp hồ sơ hoàn thuế thì Chi cục Thuế quận Bình Thạnh buộc phải thông qua cán bộ quản lý thuế trước rồi mới nhận hồ sơ - khi hiện nay các nơi đã thực hiện cơ chế một cửa. Như vậy, việc gây phiền phức cho DN, chậm hoàn số tiền lớn trong hơn 2 tháng, thiệt hại này ai chịu?
Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Hạnh nói rõ quy định: DN lập đầy đủ hồ sơ và nộp trực tiếp cho bộ phận một cửa hoặc nộp qua bưu điện, khi nộp hồ sơ DN phải lấy biên nhận hoặc dấu nhận hồ sơ có ghi ngày...tháng...năm... để làm căn cứ. Sau 15 ngày làm việc đối với hồ sơ hoàn trước, 60 ngày đối với hồ sơ kiểm tra trước mà chưa có kết quả, DN gửi thư trực tiếp cho chi cục trưởng hoặc cục trưởng để yêu cầu giải quyết. Không có quy định nào phải nộp hồ sơ hoàn thuế qua cán bộ quản lý thuế và DN không phải tốn bất cứ chi phí nào trong việc hoàn thuế. Nếu cơ quan thuế có yêu cầu giải trình hoặc bổ sung cho hồ sơ hoàn thuế thì yêu cầu này phải được lập thành văn bản thông báo cho DN.
“Chúng tôi rất trân trọng và biết ơn những ai chung tay với chúng tôi đấu tranh chống tiêu cực, xây dựng ngành thuế trong sạch…” - ông Hạnh cho biết.
| |
HÀN NI