
“Bình thường trên sân khấu khán giả ái mộ chúng tôi. Hôm nay, chúng tôi xin bày tỏ sự ái mộ, cảm kích trước hành động dũng cảm phi thường của các em” - Lời chia sẻ của nữ nghệ sĩ Kim Cương cũng là tình cảm chung của độc giả gửi đến các anh Mai Văn Luyện, Mai Thanh Phong, Trần Quang Thắng - những anh hùng đã dũng cảm cứu người trong vụ tai nạn chìm đò thương tâm ở Quảng Bình tại buổi giao lưu trực tuyến do Báo SGGP tổ chức chiều 21-2.
Tham gia buổi giao lưu còn có ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc Khu Quản lý đường sông, Sở GTVT TPHCM; ông Nguyễn Văn Trừng, Giám đốc Làng trẻ SOS TPHCM cùng mẹ và vợ của anh Trần Quang Thắng.
Buổi sáng sinh tử
Dù đã được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh khá nhiều nhưng câu chuyện về buổi sáng cuối năm kinh hoàng trên dòng sông Gianh và những “tình tiết” cứu người của các anh vẫn được bạn đọc quan tâm và đặt câu hỏi nhiều nhất.
Bằng chất giọng rặt Quảng Bình, anh Mai Văn Luyện kể: “Sáng 30 Tết, tui cùng 2 người cháu và con trai đi nốt chuyến hàng cuối năm rồi về đón giao thừa. Chợt tui thấy một vùng sông nhốn nháo tiếng kêu cứu. Hàng trăm cánh tay chới với đưa lên giữa dòng. Tui chặt dây neo gỗ cho thuyền nhẹ bớt, lao thẳng về phía ấy rồi hét mấy đứa nhỏ lao xuống nước. Tui ở trên thuyền, chèo bạt, giữ thuyền khỏi trôi, cố gắng kéo, vớt người lên. Khi vớt được 22 người, thuyền chật, tui dặn mấy đứa nhỏ ở lại tiếp tục lặn xem còn vớt được ai không rồi nổ máy đưa bà con vào bờ. Trong thời gian đó, Hoàn, Thắng, Phong vẫn lặn ngụp trên sông tìm người. Chuyến thứ 2 sang, chúng tôi đưa được 13 người nữa lên bờ…”.
Bạn Võ Long, 18 tuổi, ngụ ở Tân Bình hỏi: “Cách lặn sâu xuống rồi dùng tay đẩy chân các nạn nhân trồi lên cho người trên thuyền kéo là cách làm rất thông minh. Động tác ấy các anh đã rèn luyện từ trước hay ngay tại thời điểm nguy nan ấy, các anh mới nghĩ ra?
Anh Trần Quang Thắng trả lời: “Lúc đó chúng tôi chỉ làm theo cảm tính và thấy đó là động tác thích hợp nhất để cứu người. Chúng tôi cảm thấy không mệt mỏi và không hề bị tê cóng. Giống như ai đó đã tiếp thêm sức cho chúng tôi. Khi đưa được các nạn nhân lên đò của mình, tôi nhớ nhất hình ảnh một cháu bé khoảng 8 tuổi lạnh buốt, hai tay tê cóng, vẻ mặt hoảng loạn đến nỗi không khóc được”.
“Nghĩa cử của chúng tôi vẫn chưa trọn vẹn...”
Tâm sự với bạn đọc Báo SGGP về hành động của mình, anh Mai Văn Luyện vẫn băn khoăn: “Ngay lúc ấy, tôi không nghĩ rằng lại cứu được nhiều người đến vậy. Thế nhưng sau đó nghĩ lại, tôi vẫn ray rứt vì cảm thấy nghĩa cử của mình chưa được trọn vẹn vì số người không được cứu kịp quá nhiều. Thật sự nếu như lặp lại cảnh đó, chúng tôi sẽ ráng làm tốt hơn để cứu được nhiều người hơn”.
Nhớ lại buổi chìm đò, chị Hoàng Thị Thiên, vợ anh Thắng vẫn còn chưa hết rùng mình: “Bình thường, anh ấy đi làm đến tầm 4-5 giờ chiều là về. Bữa đó, mãi đến 7 giờ tối anh mới điện về nhờ hàng xóm nhắn với em là đang phải cứu người chết đuối. Một mình ôm con nhỏ chưa đầy 18 tháng, em như ngồi trên đống lửa. Giao thừa trôi qua hơn 1 tiếng, anh mới về. Mấy ngày tết, anh ấy mệt, nằm bệnh trong thuyền, không đi đâu được. Bây giờ nghĩ lại em vẫn thấy sợ, lỡ anh ấy mà có chuyện gì thì hai mẹ con không biết sống ra sao”.
Bên lề buổi giao lưu, anh Thắng cười khoe với chúng tôi là cả mấy anh em vừa nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen của xã đoàn, huyện đoàn, tỉnh đoàn, Trung ương đoàn. Mới rồi, Trung ương đoàn còn tặng huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm. Tất cả những giấy khen, bằng khen, huy hiệu ấy, anh Thắng đem về treo, dán trong… khoang thuyền của mình.
Số là hai vợ chồng anh vẫn chưa có đất làm nhà, quanh năm lên đênh sông nước. Mỗi ngày, cặp vợ chồng nghèo ấy kiếm được từ mười lăm đến hai chục ngàn đắp đổi sống qua ngày.
Vậy mà, điều cuối cùng mà các anh tâm sự với độc giả không phải là ước mơ về căn nhà hay sự sung túc mà là về những cây cầu: “Nếu có 3 điều ước, chúng tôi chỉ mong sao quê mình có nhiều chiếc cầu bắc qua sông để không còn những tai nạn thương tâm như thế nữa”.
Tại buổi giao lưu, ông Nguyễn Văn Trừng, Giám đốc Làng trẻ SOS TPHCM cho biết Làng trẻ SOS Gò Vấp đã phát động phong trào học tập tấm gương của những người hùng sông Gianh cho các em nhỏ mồ côi. 243 em trong làng trẻ SOS TPHCM sẽ đóng 1 tháng tiền quần áo trị giá 12 triệu đồng để gửi các anh Luyện, Thắng, Phong mang về mua đường, sữa, tập, sách cho những em nhỏ mồ côi sau vụ chìm đò. Ông Trừng cũng cho biết làng trẻ SOS TPHCM sẵn sàng nhận nuôi những em nhỏ mồ côi nói trên. |
MAI HƯƠNG
Để không có những chuyện tang thương

Giám đốc Khu đường sông TPHCM Lê Hoàng Minh (thứ hai, từ trái sang) giao lưu với độc giả. Ảnh: THÀNH TÂM
Tại buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc Báo SGGP vào chiều 21-2, ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc Khu đường sông - Sở Giao thông vận tải TPHCM, cho biết, trên địa bàn TPHCM có 41 bến khách ngang sông đều được cấp giấy phép hoạt động.
Trong thời gian vừa qua, nếu có bến khách ngang sông nào hoạt động không phép, Khu đường sông sẽ lập biên bản yêu cầu ngưng hoạt động và chuyển hồ sơ cho Thanh tra Giao thông và chính quyền địa phương xử lý.
Cũng theo ông Minh, do Luật Giao thông đường thủy nội địa không quy định bắt buộc hành khách đi đò phải mặc áo phao, nên để hạn chế thiệt hại từ tai nạn giao thông thủy, từ năm 2006, Khu đường sông phối hợp các ban ngành và chính quyền địa phương tổ chức 10 cuộc vận động người đi đò mặc áo phao, hỗ trợ áo phao cho một số bến đò…
“Chúng tôi mong bà con đi đò khi phát hiện các phương tiện không đáp ứng yêu cầu thì không nên lên đò, sau đó thông báo cho các cơ quan có trách nhiệm như: Khu đường sông, số điện thoại: 38368196; đội 2 Thanh tra Giao thông đường thủy, số điện thoại: 3 9500 809”, ông Minh đề nghị.
Trả lời những câu hỏi, nếu xảy ra sự cố lật đò như ở sông Gianh (tỉnh Quảng Bình), Khu đường sông có biện pháp gì để ứng cứu kịp thời, ông Lê Hoàng Minh cho biết, nếu tập trung tốt các nguồn lực, các biện pháp nhằm phòng ngừa không để tai nạn xảy ra thì giá trị hơn nhiều lần khi có tai nạn.
Tuy nhiên, vẫn phải chuẩn bị để có kế hoạch ứng cứu hiệu quả, trong đó việc cần quan tâm hàng đầu là các biện pháp ứng cứu tại chỗ. Do đó, Khu đường sông luôn nhắc nhở, vận động chủ bến đò phát đầy đủ áo phao, người đi đò phải mặc áo phao, đó là biện pháp tại chỗ, tự cứu mình tốt nhất.
Các lực lượng ứng cứu bên ngoài, mặc dù luôn cần thiết và cũng có hiệu quả nhất định, nhưng thường phải đi sau một bước. Khu đường sông hiện có 5 Trạm Quản lý đường sông, khi có sự cố và được thông báo, các Trạm Quản lý đường sông sẽ tham gia cùng các ban, ngành ứng cứu.
“Tất cả chúng ta từ các chủ bến đò, người điều khiển phương tiện, bà con đi đò, các cơ quan quản lý cùng nhau quan tâm và phối hợp thật tốt trong việc bảo đảm an toàn thì chắc chắn sẽ không có những chuyện tang thương xảy ra”, ông Lê Hoàng Minh khẳng định.
Q.HÙNG- M.HẠNH
Thông tin liên quan | ||
|