Ngoài sự nghiệp chính trị với những đóng góp vẻ vang của một người đã hiến dâng cả cuộc đời cho độc lập, tự do và xây dựng phát triển đất nước, được tặng nhiều huân chương cao quý; một người thầy của nhiều thế hệ nhà giáo Việt Nam, Giáo sư Trần Văn Giàu là một đại trí thức giàu sáng tạo trong lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn (KHXH-NV).
Kho tàng tri thức đồ sộ
Có thể nói, chưa có một người Việt Nam nào viết nhiều như Giáo sư Trần Văn Giàu. Hơn 150 công trình khoa học đã được in ra, ghi dấu ấn sự cần mẫn và sáng tạo của ông. Tôi đã từng nói: “Sách của Giáo sư nếu đem xếp chồng lại thì cao hơn ông, nếu đem ra cân ký thì chắc chắn nặng hơn trọng lượng cơ thể của ông. Đó là điều chắc chắn!”.
Khi chúng tôi tiến hành làm “Tuyển tập Trần Văn Giàu” (năm 2000), đã thu thập được hơn 3.000 trang khổ giấy A4 nhưng NXB Giáo dục chỉ cho in 1.500 trang khổ 16x24cm, nên chúng tôi “tạm” bỏ lại 1 khối lượng khổng lồ tác phẩm. Đến khi Nhà xuất bản KHXH in các tác phẩm được giải thưởng Hồ Chí Minh, riêng Giáo sư Trần Văn Giàu có 2 tập, tổng cộng 3.556 trang. Một số lượng trang viết hoàn toàn không nhỏ của một nhà cách mạng chuyên nghiệp, một nhà giáo nhân dân.
Sự nghiệp khoa học, công trình nghiên cứu của ông không chỉ chừng đó, mà ông có 1 khối lượng tác phẩm đồ sộ, liệt kê sơ bộ cũng đã có hơn 150 công trình.
Các công trình của Giáo sư luôn thể hiện sự thống nhất giữa tính chiến đấu và tính khoa học và tất cả đều phục vụ việc tìm hiểu “lịch sử cách mạng Việt Nam”, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông tâm sự: đến cuối năm 1930, đời ông đã trải qua 2 bước ngoặt. Thứ nhất, bị bắt trong cuộc biểu tình ở Paris (phản đối thực dân Pháp ra lệnh xử bắn Nguyễn Thái Học, Ký Con và hơn chục người khác sau khởi nghĩa Yên Bái), bị trục xuất về nước và từ một học sinh trở thành một người đi làm cách mạng. Thứ hai, từ một người hoạt động cách mạng nửa công khai, nửa bí mật, trở thành người làm cách mạng chuyên môn. Sau này, ông trở thành nhà giáo là tình cờ, theo Giáo sư Giàu là “do cuộc đời xô đẩy”.
Nhưng khi thực sự hoạt động chính trị, làm cách mạng chuyên môn thì chuyên môn chính của ông lại vẫn là nghề dạy học. Muốn dạy người ta, phải nghiên cứu, phải viết sách. Cho nên tính khoa học và tính cách mạng luôn thống nhất trong các công trình khoa học của Giáo sư Trần Văn Giàu.
Công trình của ông viết về nhiều lĩnh vực KHXH, nhưng nhiều nhất vẫn là sử, triết, văn. Giáo sư Vũ Khiêu, người đồng nghiệp thân cận của ông đã nhận định: các tác phẩm về sử học của Giáo sư Trần Văn Giàu đều có sự hấp dẫn của văn và chiều sâu của triết.
Ở Giáo sư, trong văn có triết và trong triết có văn. Cả hai đều được lý giải vững vàng, gắn liền với sự chứng minh của sử học. Các hiện tượng văn, sử, triết bất phân trong di sản trí tuệ Việt Nam và của các nước phương Đông được thể hiện rất rõ trong các tác phẩm của Giáo sư Trần Văn Giàu, đã có đóng góp to lớn cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng, dân tộc ta.
Lao động bằng cả tấm lòng
Sở dĩ một nhà khoa học trong điều kiện của đất nước ta cả trong chiến tranh cũng như hơn 10 năm sau ngày giải phóng miền Nam vốn vô cùng khó khăn mà có được một khối lượng công trình khoa học đồ sộ và có giá trị như vậy, phần lớn do sự lao động cần mẫn, nghiêm túc của một nhà chính trị chuyên nghiệp, một trí thức uyên thâm, một người con thủy chung của “miền Nam thành đồng”. Tự mình làm tư liệu, tìm hiểu trong kho tàng sách báo qua các thời kỳ; tự thức khuya dậy sớm viết đi viết lại từng trang sách, từng câu chữ.
Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Sử học Việt Nam kể rằng, có lần ông được cử đến gặp Giáo sư Trần Văn Giàu tại Hà Nội. Sau khi gõ cửa nhiều lần, một lúc sau cửa được hé mở từ từ đủ để khách lọt vào trong rồi đóng ngay lại. Trong căn phòng giấy má tứ tung, phần lớn là những tờ giấy nhỏ bằng bàn tay hay nhỏ hơn được vun lại thành từng xấp. Giáo sư Giàu đang cởi trần mặc quần đùi. Trời nóng nhưng ông không mở quạt vì sợ gió làm đảo lộn các tờ giấy nhỏ. Đó chính là các tờ fiche do Giáo sư ghi chép, cắt dán, đang được phân loại… Thời chưa có máy vi tính, đó là kiểu làm tư liệu nghiêm túc và hiệu quả nhất cho công tác nghiên cứu.
Giáo sư Trần Văn Giàu kể lại: “Khi tiến hành làm công trình “Giai cấp công nhân Việt Nam”, có nhiều giờ nóng bức, ngồi trong cái núi tư liệu còn lộn xộn của Thư viện Hà Nội, khi tìm được tư liệu về một cuộc bãi công hồi năm 1900 chẳng hạn, hay một lá đơn tập thể phản kháng của công nhân mỏ năm 1897, lòng tôi khoan khoái, dễ chịu vô cùng…, tưởng chừng như mình vừa phát hiện được một lục địa nào mới trên trái đất”.
Đó là tác phong làm việc khoa học của Giáo sư Trần Văn Giàu. Ông luôn tự mình làm hết mọi thứ, chưa bao giờ nhờ bất cứ ai làm tư liệu hay viết bài để sửa lại rồi ký tên. Đối với nhiều cuốn sách mà ông chủ biên, ông luôn là “cái đầu”, là nhân vật chính, không những đề ra tư tưởng, chủ đề của tác phẩm mà còn trực tiếp biên soạn đề cương, phân công cụ thể, kiểm tra và đọc duyệt cuối cùng.
Gần gũi với Giáo sư Giàu, cảm nhận đầu tiên của tôi, đó là con người lao động, lao động nghiêm túc bằng cả tấm lòng, trí tuệ và lương tâm, trách nhiệm. Ông hay tâm sự rằng trong cuộc đời của ông, chỉ có 31 ngày bị giam ở Côn Lôn trong căn phòng chưa đầy 4m2, chỉ có chuột với gián là không làm việc được. Còn mọi nơi, mọi lúc, khi nào ông cũng miệt mài làm việc.
Những năm gần đây, đã bước vào tuổi bách niên, ông vẫn miệt mài với bao công trình, công việc khoa học. Nhiều lần ông tuyên bố, sau công trình Lịch sử Việt Nam do ông chủ biên, sẽ không làm đề tài nào nữa. Nhưng cái máu của người lao động khoa học, những vấn đề triết lý phát triển của lịch sử đất nước vẫn được ông đeo đuổi để có một công trình nào đó, góp phần nhỏ vào sự tìm tòi con đường phát triển của đất nước hôm nay.
Nhờ sự lao động cần mẫn, nghiêm túc, đầy trách nhiệm và trí tuệ, Giáo sư Trần Văn Giàu được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động.
Cũng như nhờ công đào tạo bao thế hệ người thầy mà ông được Đảng và Nhà nước phong tặng Giáo sư, Nhà giáo nhân dân. Nhờ công lao đóng góp trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, ông được tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng.
PGS-TS Phan Xuân Biên
Tổng Thư ký Hội đồng KHXH TPHCM