Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai: Một vì sao mãi lung linh

“GS-NGND Hoàng Như Mai - Cuộc đời và sự nghiệp” là chủ đề của hội thảo do Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia TPHCM), Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Văn Hiến, Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TPHCM đồng tổ chức ngày 22-11 nhân dịp giỗ đầu của giáo sư. Biết bao thế hệ học trò từ những nhà quản lý, nghiên cứu văn học, phê bình văn học, nhà thơ, giảng viên… bùi ngùi xúc động ôn lại cuộc đời cùng sự nghiệp trồng người của giáo sư Hoàng Như Mai.
Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai: Một vì sao mãi lung linh

“GS-NGND Hoàng Như Mai - Cuộc đời và sự nghiệp” là chủ đề của hội thảo do Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia TPHCM), Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Văn Hiến, Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TPHCM đồng tổ chức ngày 22-11 nhân dịp giỗ đầu của giáo sư. Biết bao thế hệ học trò từ những nhà quản lý, nghiên cứu văn học, phê bình văn học, nhà thơ, giảng viên… bùi ngùi xúc động ôn lại cuộc đời cùng sự nghiệp trồng người của giáo sư Hoàng Như Mai.

Trọn đời cho sự nghiệp trồng người

Ban tổ chức đã mở đầu hội thảo khiến cả hội trường xúc động khi được nhìn thấy thầy Hoàng Như Mai đang trả lời phỏng vấn về những “đứa con tinh thần” của mình như Dòng sông biên giới, Tiếng trống Hà Hồi… Tiếp đến là những trích đoạn thơ mà thầy đã sáng tác trong tập thơ Trao cho nhau cuộc đời.

PGS-TS Võ Văn Nhơn (Trường ĐH KHXH-NV) xúc động nhận xét: “GS-NGND Hoàng Như Mai, vị trưởng lão cuối cùng của ngành Văn ở đại học đã ra đi tròn một năm. Giáo sư là một người nghệ sĩ, một nhà nghiên cứu, một nhà hoạt động văn hóa lớn. Nhưng trên hết, giáo sư là một người thầy lớn của ĐH Quốc gia TPHCM và của cả ngành giáo dục nước nhà. Thầy đến với giáo dục như một cái duyên tình cờ, nhưng thầy đã gắn trọn đời với ngành giáo dục bởi một tình yêu vô bờ với học trò, với nghề nghiệp, với văn học nước nhà. Thầy hấp dẫn mọi người ở tác phong nghệ sĩ, ở cách phân tích sắc sảo, bởi tinh thần học thuật tự do và nhất là bởi cái tình với văn chương, bởi sự chí tình với học trò”.

PGS-TS Trần Hữu Tá, Chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TPHCM, bồi hồi nhớ về người thầy của mình: “Tính đến năm thầy tạ thế, tôi được liên tục gần gũi với thầy 55 năm và may mắn cùng đi chung với thầy trên con đường giảng dạy và nghiên cứu văn học. Hầu hết cuộc đời gần một thế kỷ của thầy chủ yếu dành cho sự nghiệp trồng người”.

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký xúc động nhớ về thầy và chia sẻ: “Với tôi, người học trò phải dùng chân thay đôi tay bị liệt từ nhỏ để thực hiện mọi thao tác học hành từ vỡ lòng đến hết đại học nếu không gặp những người cô, người thầy tuyệt vời tôi sẽ không có ngày hôm nay. Thầy Hoàng Như Mai đã truyền lại cho tôi ngọn lửa cháy hết mình vì học trò. Ngọn lửa của lòng đam mê vì những giá trị nhân văn cao cả, ngọn lửa của nghệ thuật lên lớp không chỉ bằng những kiến thức sâu sắc, chuẩn mực đạo đức mới mẻ mà trước hết phải bằng cả trái tim tràn đầy cảm xúc thăng hoa với tiếng lòng dân, trào yêu thương cuộn sóng. Xin cảm ơn người thầy cao cả của tôi. Cảm ơn vì sao mãi mãi còn lung linh thắp sáng nơi góc thẳm ký ức tôi”.

Một nhà khoa học mẫu mực

Thơ đối với thầy như một mảnh vườn riêng tĩnh lặng, chủ yếu để thầy tâm sự với chính mình, đồng thời cũng để thể hiện tình cảm của mình với những người tri kỷ. Do đó, làm thơ là thú vui tao nhã của thầy. Ngay từ khi còn là một cậu thiếu niên 12 tuổi, GS Hoàng Như Mai đã sớm có những câu thơ già dặn, trưởng thành trước tuổi: Nhưng bạn sinh ra với tấm lòng/Dễ đau vì những sự nghe, trông/Linh hồn vương vấn linh hồn nước/Đọc sử hưng vong lệ nhỏ dòng. Những câu thơ này như báo trước một điều quan trọng, 82 năm liền sau đó, thầy luôn có một động lực tinh thần, tình cảm nhất quán: lòng yêu nước chân thành sâu nặng.

Theo PGS-TS Trần Hữu Tá, dù chỉ tạt ngang vào vườn hoa sáng tạo của thơ ca và sân khấu, thầy đã có những đóng góp quý báu. Không chỉ vậy, với các vở kịch như Tiếng trống Hà Hồi, Dòng sông biên giới, Vẽ chân dung cụ Đồ Chiểu, thầy đã có vị trí đáng kể trong lĩnh vực sáng tác kịch bản sân khấu.

Trích đoạn vở kịch Tiếng trống Hà Hồi do GS-NGND Hoàng Như Mai viết.

Nghĩ đến GS Hoàng Như Mai, không thể không trân trọng hoạt động rất cân đối của thầy trên cả hai lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu. Thực tế cho thấy đây là hai lĩnh vực có quan hệ biện chứng và tác động hữu cơ đến nhau. Trong 60 năm cầm bút, thầy quan tâm đến nhiều lĩnh vực văn hóa, chính trị, xã hội. Thế nhưng sự đóng góp của thầy về nghiên cứu văn học, đặc biệt văn học hiện đại là nổi trội hơn cả.

Với tư cách một học trò, một nhà nghiên cứu văn học và văn hóa văn nghệ, TS Trương Minh Nhựt, Vụ trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nhận định: “GS Hoàng Như Mai từ một trí thức dấn thân đi làm cách mạng cuối đời trải qua rất nhiều nghề. Mỗi nghề dù trong hoàn cảnh nào đều thể hiện 3 yếu tố: thực hiện tốt sự phân công xã hội, tâm huyết yêu nghề và đức độ tài năng. Tôi từng là học trò của thầy sau năm 1975, những bài giảng của thầy đã chắp cánh cho tôi trong những bài giảng và trong công tác tư tưởng văn hóa”.

Còn rất nhiều tham luận đầy xúc động và đề cao tài năng, đức độ của GS Hoàng Như Mai tại hội thảo, cùng những nén nhang kính cẩn tưởng nhớ người thầy của bao thế hệ, nhà nghiên cứu xuất sắc của văn học hiện đại Việt Nam nhân ngày giỗ đầu của giáo sư.

Tại hội thảo, gia đình GS-NGND Hoàng Như Mai đã tặng 10 triệu đồng cho Quỹ học bổng hỗ trợ sinh viên ngữ văn do GS-NGND Hoàng Như Mai sáng lập, Báo Thanh Niên tặng 40 suất học bổng (trị giá 60 triệu đồng) cho những sinh viên xuất sắc của Khoa Ngữ văn và Ngôn ngữ Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia TPHCM).

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục