Giao thông nông thôn tại TPHCM: Nhà nước và dân cùng làm

Mặt trái
Giao thông nông thôn tại TPHCM: Nhà nước và dân cùng làm

Giao thông nông thôn là 1 trong 3 nhóm quan trọng trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), chỉ sau nhóm quy hoạch và tổ chức sản xuất. Ở mỗi vùng miền của nước ta, việc xây dựng giao thông nông thôn có những đặc thù khác nhau, như đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống sông rạch, các thành phố lớn với đặc tính vùng ven đô thị, vì vậy cần có khung tiêu chuẩn phù hợp riêng cho từng khu vực.

Đường Trương Văn Đa, huyện Bình Chánh. Ảnh minh họa: CAO THĂNG

Đạt yêu cầu cao hơn

Tại TPHCM, quá trình thực hiện các mục tiêu chiến lược về phát triển giao thông nông thôn (GTNT) được thực tập trung hiện giai đoạn 2010 - 2014, chủ yếu là 5 huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè và Cần Giờ, nhưng nhờ nền tảng hệ thống hạ tầng nông thôn TPHCM đã được đầu tư từ trước đó nên có phần thuận lợi hơn khi thực hiện tiêu chí này. Đến nay, có thể nói, 100% đường huyện, xã ở TPHCM được nhựa hóa, tối thiểu cũng đạt cấp 4 với đường huyện và cấp 5 với đường xã, cao hơn mức yêu cầu chung của cả nước là cấp 6; đáp ứng tối thiểu 2 làn xe, một số tuyến còn được thiết kế tiêu chuẩn đường đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu đặc thù theo hướng phát triển đô thị. Hệ thống cầu cống trên các tuyến huyện, xã của TP cũng được xây dựng kiên cố phù hợp với cấp đường quy hoạch. Cùng với đó, 100% đường thôn xóm cũng đã được nâng cấp, đạt loại A trở lên và 100% trục chính nội đồng được nâng cấp theo tiêu chuẩn đường ô tô cấp 5, 6 đồng bằng, phương tiện cơ giới đi lại thuận tiện đều cao hơn mức yêu cầu 70%.

Bên lề buổi tổng kết xây dựng và quản lý đường GTNT cả nước mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết, thông qua chương trình xây dựng NTM với nhiều hình thức đầu tư đa dạng như từ vốn ngân sách, nhà nước và nhân dân cùng làm, nhờ vậy TPHCM là một trong số địa phương hoàn thành 4 chỉ tiêu trong tiêu chí số 2 về giao thông của Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM. Tùy theo từng nội dung cụ thể, mức hỗ trợ từ ngân sách TP tạo được sự đồng thuận và hưởng ứng của người dân. Hiện TPHCM đã xây dựng 1.549 đường GTNT dài 1.172km, xây mới 18 cây cầu quy mô lớn, bảo trì 512 cây cầu các tuyến đường huyện, xã với kinh phí hơn 7.700 tỷ đồng, trong đó phần vốn đóng góp của dân trên 1.600 tỷ đồng. Có được điều này, một phần không nhỏ nhờ vào việc TP đã làm khá tốt vấn đề thông tin, tuyên truyền, được sự đồng lòng, ủng hộ nhiệt tình của người dân ngoại thành trong việc hiến đất làm đường (khoảng 124ha), đóng góp ngày công…

Đặc thù giao thông vùng ven đô thị

Nét đặc thù của nông thôn TPHCM là vùng ven đô thị, nhiều quận, huyện đang trong quá trình đô thị hóa nên vẫn còn sự đan xen giữa quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn và khu vực sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng GTNT cần được xem xét thấu đáo và có tầm nhìn về quy hoạch, nhu cầu đầu tư để GTNT đảm bảo tính khả thi khi quy hoạch. Không ít khu vực ngoại thành TPHCM có mật độ dân số cao, người dân có xu hướng xây dựng nhà cửa, công trình tiếp cận mặt tiền đường. Điều này đặt ra vấn đề, bên cạnh việc làm đường GTNT phải giải quyết thêm việc tiêu thoát nước, khiến chi phí xây dựng tăng cao trong khi nguồn vốn đầu tư công hiện nay giãn dần. Nhờ được sự quan tâm và tập trung đầu tư, GTNT của TP cơ bản hoàn thành các tiêu chí chung so với mặt bằng cả nước, nhưng để xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông kết nối theo quy hoạch được duyệt, TP cần nguồn vốn rất lớn trong bối cảnh vốn ngân sách TP bị hạn chế. Vì vậy, TP kiến nghị có thể kêu gọi đầu tư các dự án theo nhiều hình thức, nguồn vốn khác nhau.

Dù Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có Quyết định 4927/QĐ-BGTVT tháng 12-2014 hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật về GTNT giai đoạn 2010 - 2020, nhưng quy mô các loại đường trong văn bản hướng dẫn chỉ phù hợp với khu vực nông thôn phổ biến cả nước. Do vậy, cần được bổ sung đối với khu vực nông thôn có tính chất cận đô thị như các huyện ngoại thành ở những TP lớn, như ngoại thành TPHCM. Bộ GTVT cũng nên xem xét bổ sung giải pháp thoát nước phù hợp đặc thù TP, đặc biệt là những vùng nông thôn có mật độ dân cư đông. Song song đó, Bộ GTVT cần hướng dẫn bổ sung về cầu giao thông ở nông thôn, bến tàu và loại hình phương tiện giao thông đường thủy khi một số vùng nông thôn vẫn còn sử dụng phương tiện vận tải sông rạch.

Tại buổi tổng kết xây dựng quản lý GTNT cả nước mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá, giao thông là tiêu chí đạt khá thấp trong 19 tiêu chí của NTM. Theo mục tiêu, đến năm 2020, ít nhất 50% số xã đạt tiêu chí GTNT và 50% số đường GTNT phải hoàn thành. Vì vậy, rất cần sự sáng tạo của địa phương để có thể hoàn thành tốt hơn. Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo, cần có sự điều chỉnh xây dựng GTNT phù hợp cho từng vùng miền, để có khung tiêu chuẩn phù hợp đặc thù từng địa phương.

CÔNG PHIÊN


Sổ tay: Mặt trái

Khu vực nông thôn chiếm trên 80% diện tích và gần 70% dân số cả nước. Đây là khu vực cung cấp nguồn nhân lực, tài nguyên thiên nhiên, lương thực thực phẩm... Thế nhưng, đời sống người dân nông thôn chịu nhiều thiệt thòi, đi lại khó khăn. Vì vậy, nông thôn mới là chương trình nhằm vực dậy khu vực này, bằng việc tập trung đầu tư vào những khâu quan trọng, trong đó cùng với quy hoạch, phát triển giao thông nông thôn (GTNT) được đặt lên hàng đầu.

5 năm qua mạng lưới GTNT có sự phát triển vượt bậc, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa người dân. Giai đoạn này mạng lưới đường GTNT được xây dựng đến nhiều trung tâm xã mà giai đoạn trước đây chưa có, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, giao lưu kinh tế, văn hóa - xã hội tại các vùng nông thôn và giữa các vùng nông thôn với khu vực khác. Tuy vậy, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, giao thông là tiêu chí đạt khá thấp trong 19 tiêu chí nông thôn mới . Mục tiêu đến năm 2020, ít nhất 50% số xã đạt tiêu chí GTNT và 50% số đường GTNT phải hoàn thành.

Hiệu quả của GTNT đã rõ, nhưng cũng xuất hiện không ít vấn đề. Trước hết là nguồn lực. Việc theo dõi hạ tầng GTNT giao cho Phòng Công thương, trong đó có 1 - 3 cán bộ chuyên trách theo dõi giao thông, xây dựng; có huyện chỉ 1 cán bộ theo dõi trên 200km đường GTNT. Cấp xã thường bố trí cán bộ phụ trách chung địa chính, kiêm GTNT. Bộ máy tham mưu có chuyên môn về giao thông cấp huyện vừa thiếu vừa yếu chuyên môn, kinh nghiệm. Vì vậy cán bộ giao thông cấp huyện, xã không thực hiện tốt việc thiết kế, xây dựng, khai thác và bảo trì hệ thống cầu đường GTNT, dẫn đến một số tai nạn như vụ sập cầu treo Chu Va (Lai Châu). Đợt rà soát 2.299 cầu treo dân sinh cả nước vừa qua phát hiện 127 cầu mất an toàn phải dừng khai thác, 807 cầu phải sửa chữa khẩn cấp. Chính quyền cơ sở còn ngại đấu tranh với hành vì xâm hại kết cấu hạ tầng giao thông; xả nước thải ra đường; vi phạm hành lang an toàn giao thông. Tình trạng xe quá tải, quá khổ, xe hết hạn vẫn chạy trên đường GTNT còn nhiều. Ngoài việc phá hoại hệ thống cầu đường và kết cấu hạ tầng còn dẫn đến những vụ tai nạn, như xe hết niên hạn chở mía gây tai nạn ở Thanh Hóa. Nhiều vụ sập cầu, cống đã xảy ra.

Về an toàn giao thông cũng là điều đáng nói. Việc tuyên truyền về an toàn giao thông góp phần không nhỏ, từng bước giảm các chỉ tiêu về tại nạn giao thông. Thế nhưng, một bộ phận người tham gia GTNT hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa ý thức tốt trong chấp hành quy tắc giao thông. Tình trạng sử dụng xe ô tô quá niên hạn vận chuyển hàng quá tải và cồng kềnh, điều khiển xe máy chở ba người, không đội nón bảo hiểm, uống rượu bia khi điều khiển phương tiện vẫn diễn ra. Vì vậy, tai nạn giao thông 6 tháng đầu năm 2015 và những năm gần đây giảm, nhưng tai nạn đường GTNT giảm chậm, thậm chí có nơi lại tăng lên.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục