​ ​

Giao Ủy ban Tư pháp thẩm tra đề nghị khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội

Đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định tại dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) giao Ủy ban Tư pháp thẩm tra đối với nội dung phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Chiều 20-10, tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Dự thảo Nội quy (sửa đổi) đã bổ sung một số quy định về kỳ họp bất thường, quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khi tham dự kỳ họp; bổ sung quy định về thẩm quyền xem xét việc mời khách mời danh dự trong nước, khách mời danh dự quốc tế phát biểu tại phiên họp toàn thể. Đáng lưu ý, để khắc phục “bệnh” chậm gửi tài liệu lâu nay, dự thảo Nội quy đã sửa đổi quy định về tài liệu kỳ họp, trong đó quy định rõ trách nhiệm của ĐBQH khi nhận được thông tin xấu, độc, không rõ nguồn gốc về nội dung đang được xem xét, quyết định tại kỳ họp; quy định việc công khai danh sách các cơ quan và lý do gửi chậm tài liệu.

Một quy định khác dự kiến sẽ được “nội quy hóa” liên quan đến quy định về thảo luận tại phiên họp toàn thể, chất vấn và trả lời chất vấn. Theo đó, dự kiến giảm thời gian ĐBQH nêu chất vấn xuống không quá 1 phút/lần, giảm thời gian trả lời chất vấn xuống không quá 3 phút/câu hỏi. Đại biểu được quyền tranh luận với người trả lời chất vấn để làm rõ hơn vấn đề đã được ĐBQH hỏi, thời gian tranh luận không quá 2 phút.

Dự thảo cũng đã quy định cụ thể hơn trách nhiệm của cơ quan, cá nhân trình, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ và trình nhân sự cấp cao trong bộ máy Nhà nước.

Qua thẩm tra, Ủy ban Pháp luật tán thành với việc bổ sung quy định về kỳ họp thường lệ và kỳ họp bất thường trong dự thảo Nội quy kỳ họp. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc bổ sung quy định kỳ họp Quốc hội có thể được tổ chức liên tục hoặc theo hai hay nhiều đợt tùy theo nội dung, chương trình được Quốc hội thông qua để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Về hoạt động chất vấn tại phiên họp toàn thể, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với quy định về chất vấn, tranh luận của ĐBQH trong phiên chất vấn theo quy định tại dự thảo Nội quy kỳ họp. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng, bên cạnh việc kéo dài thời gian trả lời chất vấn, cần bổ sung quy định về kéo dài thời gian phiên chất vấn; xác định rõ thời gian kéo dài tối đa trong từng trường hợp; bổ sung điều kiện kéo dài thời gian phiên chất vấn cần xin ý kiến và được sự đồng ý của Quốc hội để bảo đảm tính thống nhất với quy định về phiên họp toàn thể của Quốc hội tại Điều 18.

Về thời gian chất vấn, có ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cho rằng, trên thực tiễn có thể có trường hợp ĐBQH không thể nêu đầy đủ thông tin minh họa bằng hình ảnh, video, vật chứng cụ thể trong thời gian 1 phút, do đó đề nghị cân nhắc nâng thời gian chất vấn đối với các trường hợp này hoặc quy định thống nhất thời gian chất vấn là không quá 2 phút như Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành.

Về việc “tranh luận với người bị chất vấn”, một số thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị nên sử dụng khái niệm “chất vấn lại” để phản ánh đúng bản chất và thống nhất với quy định hiện hành tại điểm c, khoản 3, điều 15 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Về thủ tục thẩm tra Tờ trình của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của ĐBQH, đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định giao Ủy ban Tư pháp thẩm tra đối với nội dung phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của ĐBQH.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, yêu cầu về thủ tục phê chuẩn đề nghị về việc bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của ĐBQH đòi hỏi phải rất nhanh chóng, khẩn trương nên cần căn cứ thực tiễn để quy định quy trình này một cách phù hợp hơn theo hướng: Ủy ban Tư pháp có báo cáo ý kiến về nội dung này trình Quốc hội tại phiên họp toàn thể mà không thực hiện thủ tục thẩm tra.

Tin cùng chuyên mục