Tình hình Iran đang nóng lên từng ngày. Căng thẳng giữa nước này và các quốc gia phương Tây đang được Mỹ và đồng minh “gợi mở” lựa chọn chiến tranh như là phương án tối ưu để giải quyết.
Trước tiên, chiến tranh mạng như “đòn mềm”, phép thử do Israel tiến hành. Hàng loạt trang web của Iran trong đó có trang tin của Press TV, Bộ Y tế Iran… ngày 26-1 đã bị một nhóm tin tặc Israel đánh sập. Ngay sau đó, nhóm tin tặc tự xưng là “Đội phòng vệ Israel” đã lên tiếng thừa nhận hành vi tấn công.
Trong tuyên bố đăng trên trang Pastebin.com, nhóm tin tặc trên cho biết động cơ tấn công các trang web của Iran nhằm đáp trả các cuộc tấn công tương tự nhằm vào một tờ báo và bệnh viện của Israel một ngày trước đó. Từ ngày 20-1 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã bắt đầu thực hiện một loạt cuộc gặp gỡ cấp cao quan trọng với giới lãnh đạo Israel để bàn về vấn đề Iran.
Mỹ đã khéo léo lót đường cho cuộc chiến tại Iran khi trên các phương tiện truyền thông của Mỹ tràn ngập thông tin về thái độ cứng rắn của Iran và nhấn mạnh chương trình phát triển hạt nhân của Iran như thể nước này chuẩn bị chế tạo vũ khí hạt nhân trong nay mai. Tương tự như cuộc chiến ở Libya đầu năm 2011 khi Mỹ không trực tiếp dẫn đầu mà nhường vị trí ấy cho Anh, Pháp. Lần này, Mỹ sẽ nhường vị trí dẫn đầu cho Israel. Mặt khác, “người anh em” này của Mỹ đang là khách hàng hào phóng cho những hợp đồng mua vũ khí mới của Mỹ. Kim ngạch bán vũ khí của Mỹ năm tài khóa 2010 đạt 31,6 tỷ USD. Trong đó, Chính phủ Israel mua vũ khí trị giá 4 tỷ USD, trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Mỹ.
Giật dây ngoài mục đích củng cố quan hệ đồng minh còn có động cơ vô cùng quan trọng, nói lên cả chiêu thức mới của Mỹ trong thời điểm rất nhạy cảm. Thứ nhất, đó là việc hiện thực hóa lời tuyên bố của Tổng thống Obama trong thông điệp liên bang, cũng là cương lĩnh tranh cử mà ông vừa đưa ra đầu tuần qua. Lời lẽ với mục tiêu thuyết phục người Mỹ hãy ủng hộ chiến tranh với Iran nhằm bảo vệ an ninh toàn cầu trước mối đe dọa vũ khí hạt nhân.
Thứ hai, quan trọng hơn nữa, xoa dịu bức xúc của người dân khi phải khoanh tay đứng nhìn tiền thuế chảy vào các khoản chi cho chiến tranh trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn khá cao (được FED dự đoán không dưới 8,2% năm 2012). Rõ ràng, Mỹ đã có bước tính toán cụ thể khi Lầu Năm góc ngày 27-1 đã tiết lộ kế hoạch ngân sách tài khóa 2013, theo đó sẽ cắt giảm chi tiêu 487 tỷ USD trong vòng 10 năm tới bằng việc giảm gần 100.000 lính lục quân, ngừng sử dụng các tàu chiến cũ và giảm bớt việc sử dụng các máy bay trong nỗ lực xây dựng một lực lượng tinh gọn và cơ động, phù hợp với chiến lược quân sự mới công bố của nước này. Động thái trên càng cho thấy rõ xu hướng mới của Mỹ, sẽ đứng ở vai trò hậu thuẫn và ra quyết định để các đồng minh lâm chiến.
Như Quỳnh