Chưa bao giờ chuyện giàu - nghèo, sang - hèn lại được bàn tán rôm rả đến vậy. Từ quán cà phê, quán nhậu lai rai vỉa hè cho đến bên trong các công sở, người đời mắt tròn mắt dẹt kể cho nhau những tin nóng nhất về lối sống xa hoa của các “siêu sao” trong giới giải trí. Nào thì cô Lý Nhã Kỳ bao trọn gói khu resort Đại Lải trong 4 ngày để tổ chức sinh nhật lần thứ 30 của mình với điểm nhấn là 1.000 bông hồng trắng “thỉnh” về từ Hà Nội, rồi thì cô X., cô Y. đón mừng ngày chào đời cũng hoành tráng không kém trong một không gian sột soạt váy áo vẻn vẹn có 2 gam màu chủ đạo… và mới nhất là “ông hoàng” âm nhạc Đàm Vĩnh Hưng được tặng bánh kem sinh nhật dát 100 chỉ vàng in hình 100 con rồng… Thôi thì người ta có tiếng, có tiền, có tình nên phú quý có hơn người.
Không phải ngoại lệ khi cô con gái tôi càu nhàu: “Bố học cho lắm vào mà để con như vậy…”. Cũng đành thở dài hiểu cho nỗi ấm ức của cháu vì gia cảnh không được đi du học nước ngoài, không được học ở các trường dán mác “quốc tế” trong nước, nghĩa là không được bằng anh, bằng chị. Ở một trường công dù mang tiếng trường “chất lượng cao” như nơi cháu theo học, nó cũng đầy rẫy chuyện cơm áo gạo tiền thị phi, đến mức thầy dạy Toán chỉ mặt học trò mắng: “mày học ngu thế, mày mà thi đậu được đại học thì tao dựng ngay tượng tao bên cạnh tượng ông X. mà trường mang tên”.
Tìm hiểu kỹ chuyện thầy “mày, tao” với trò và cách xử sự không ai ngờ còn tồn tại trong môi trường giáo dục, tôi mới vỡ lẽ… thầy cũng vì mưu sinh mà thôi, thầy cũng muốn có cái bánh kem sinh nhật dù không được dát 100 chỉ vàng như Mr. Đàm thì cũng phải có lớp phết ngoài trị giá đôi chỉ vàng: chuyện là thầy đã thuê mướn mặt bằng đủ chỗ dạy thêm cho 35 em nhưng rốt cuộc chỉ có 4 em trong lớp đến học. Tất cả chỉ có vậy. Nỗi bực tức của thầy chỉ đến vậy, có vậy. Chấm hết. Nói đâu xa, trong tiểu thuyết mới nhất của mình, đạo diễn Lê Hoàng với giọng “đanh đá” quen thuộc của mình đã dẫn lời một nhân vật rằng đến như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tên tuổi lừng lẫy, có sách bán cùng trời cuối đất mà cũng đâu có giàu sang, phú quý gì; đâu có nhà lầu, xe hơi khủng nào. Nguyễn Nhật Ánh vẫn ngồi cười buồn với “Kính vạn hoa” trong quán Đo Đo có các món Quảng như gỏi mít, bánh tráng đập mắm cái, hoặc mấy con cá biển khẳng khiu, thịt ít, xương nhiều được nấu theo gu của mảnh đất miền Trung giàu “đạm” nghĩa tình. Nguyễn Nhật Ánh là một trong số ít các nhà văn sống được bằng nghề mà cũng phải nhờ cậy cái quán nhỏ mang tên ngôi chợ Đo Đo quê hương ông, để lấy ngắn nuôi dài, nuôi dưỡng hồn sáng tạo thì thử hỏi mấy chục ngàn người trót dấn thân vào giới “nghệ” lấy gì để sống cho tròn “nghiệp” đã lỡ theo đuổi?!
Người ta lý giải phim điện ảnh nhà nước không người xem là bởi khâu quảng bá kém, chi phí cho quảng cáo, PR không bao nhiêu nên ít người biết dù là đỉnh cao nghệ thuật. Ngẫm lại, ý kiến này cũng có lý. Trong thời buổi truyền thông mạng, kẻ thắng là kẻ biết “diễn”, biết tự lăng xê mình hết cỡ, càng nhiều người “like” thì càng có nhiều cơ hội vùng vẫy trong cuộc sống vương giả. Muốn thu nhập cao? Điều kiện cần là phải có “ngoại hình” mãn nhãn và điều kiện đủ là biết phô diễn của “trời cho” ấy một cách táo bạo nhất. Để thành “sao”, thành “hotboy”, “hotgirl”, đơn giản nhất là cứ xé toạc mảnh vải che thân, không để lại chút gì mang tính chất che chắn, kể cả gốc gác gia đình như trường hợp một chàng “hotboy” mới nổi đình, nổi đám gần đây. Và ít ai ngờ rằng một cô gái tự quảng bá có làn da trắng mịn như mỡ đông, và “không chút tì vết” lại hùng hồn tuyên bố trả cát-xê dưới trăm triệu đồng sẽ không buồn bước ra khỏi giường. Thật vậy, cô này - không biết học vấn và chỉ số IQ đến đâu - giàu nứt đố đổ vách. Riêng một cái túi xách Hermes cô ta đeo bên người - đau xót mà nói - có thể nuôi cả năm cho một nghệ sĩ được đào tạo bài bản. Không nói đâu xa, một người bạn đi coi một vở kịch về đã bỗng nhiên muốn khóc nhẩm tính giá vé khoảng 140.000 đồng/người, mua qua mạng thì rẻ hơn - khoảng 90.000 đồng/người, đem nhân với số khán giả khoảng 70 người rồi chia cho số người tham gia diễn từ diễn viên chính, phụ, hóa trang, phục vụ… thì mỗi người chắc chỉ bỏ túi trên 100.000 đồng cho một đêm diễn. Mà họ nhập vai, diễn toát mồ hôi trong 2 - 3 giờ liên tục, và để đứng được trên sân khấu họ còn phải tốn công, tốn của theo học các trường lớp bài bản nhiều năm. Thế mới biết, mới hiểu độ vênh quá lớn trong thu nhập của văn nghệ sĩ, nhất là giới Showbiz với phần còn lại là những nghệ sĩ đang miệt mài giữ cho được bản sắc và nghệ thuật truyền thống dân tộc.
Để thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo trong giới nghệ thuật, cốt yếu nhất vẫn là phải nuôi dưỡng thị hiếu lành mạnh cho thế hệ trẻ, nuôi dưỡng những tâm hồn biết phân biệt đâu là giá trị giả và đâu là chân - thiện - mỹ mà cả xã hội đang hướng tới. Và tất cả phải bắt đầu từ trường học, từ người thầy đứng lớp. Chúng ta nói quá nhiều về đổi mới thi cử, đổi mới sách giáo khoa, đổi mới chương trình giảng dạy...,nhưng đổi mới của mọi đổi mới phải là đổi mới từ các trường sư phạm đào tạo người thầy, để con cái chúng ta không bị ám ảnh bởi văn hóa học đường như câu chuyện kể trên, để chúng thấy rằng trên đời này có nghệ sĩ giàu nhưng chưa chắc đã sang, để thấy rằng cần thiết phải giỏi một nghề cho vừa giàu lại sang…
BÍCH AN