Giày dép thăng trầm ký

Người Việt chắc chắn đi dép cùng lúc với nền văn minh giày dép của nhân loại. Có thể họ không quan tâm lắm đến chuyện giày dép là bởi khí hậu tương đối ôn hòa, nhiệt độ không bao giờ xuống quá thấp. Nền văn minh lúa nước và ngư nghiệp cũng có những đặc thù phù hợp với chân trần hơn là đi giày dép. Nghĩ lại thấy ngậm ngùi. Người Việt mới chỉ phổ cập đi giày dép vào khoảng năm chục năm trở lại đây mà thôi.

Người Việt chắc chắn đi dép cùng lúc với nền văn minh giày dép của nhân loại. Có thể họ không quan tâm lắm đến chuyện giày dép là bởi khí hậu tương đối ôn hòa, nhiệt độ không bao giờ xuống quá thấp. Nền văn minh lúa nước và ngư nghiệp cũng có những đặc thù phù hợp với chân trần hơn là đi giày dép. Nghĩ lại thấy ngậm ngùi. Người Việt mới chỉ phổ cập đi giày dép vào khoảng năm chục năm trở lại đây mà thôi.

Trước những năm 1960 của thế kỷ trước ở khắp các làng quê trên đất nước hầu hết nông dân đi chân đất. Phần vì do công việc đồng áng gánh gồng, phần nữa đường đất lầy lội trong các làng mạc chẳng dép nào chịu nổi. Thế nhưng, họ vẫn có guốc dép. Để dùng trong những ngày nghỉ ngơi nông nhàn và lễ hội, đàn ông có guốc đẽo bằng gộc tre mũi hài xỏ dây bện thừng, đàn bà có guốc gỗ hoặc dép cói. Những ngày mưa lầy lội cắp guốc vào nách mà đi. Ra đến đình mới khỏa chân xuống ao xỏ vào cho lịch sự.

Ở thành phố đi giày dép phổ biến hơn từ thời Pháp thuộc. Nhưng những người lao động chân tay hè phố vẫn phần lớn đi chân đất. Số còn lại guốc mộc guốc sơn rộn ràng đầu phố đêm đêm. Tiếng dép lốp mới ộp oạp quai râu tua rua xuống vỉa hè còn chưa lát gạch. Thi thoảng mới có người đi giày da hoặc ba-ta trắng. Phần lớn trong số ấy là đang có công việc giao tiếp hệ trọng hoặc ít nhất thì cũng đang trên đường đến nhà bạn gái.

Đôi giày da đen mõm ngóe là mặt hàng được Bộ Tài chính thống nhất quản lý trong suốt những năm chiến tranh bao cấp. Ai đi công tác nước ngoài được mượn một đôi. Bít tất tự mình phải trang bị lấy. Về nước mang trả có phiếu ký nhận đàng hoàng. Dân phố và cả quan chức thời kỳ này chủ yếu dép lốp. Đế bằng lốp ô tô và quai bằng săm cắt nhỏ. Một dép có bốn quai. Hai quai mũi và hai quai hậu. Quai bản rộng có ba chân rút, quai bản hẹp chỉ hai chân. Một vật bất ly thân lúc bấy giờ trong ví của đàn ông là cái rút dép làm bằng sắt đai thùng chập đôi mài mỏng. Thành ngữ “Chạy mất dép” cũng ra đời trong thời kỳ bom đạn này. Người Việt có lẽ là dân tộc duy nhất trên đời mang dép để chạy. Mậu dịch bán dép tự do không tem phiếu. Có thế nào bán thế đấy. Nhiều khi bán một đôi dép cả hai chiếc đều chân phải. Cũng có lúc bán chỉ một chiếc khi dọn kho thấy thừa ra. Dép ế mang ra hàng bia hơi bán kèm. Uống bia phải mua kèm một đôi dép trẻ con xấu xí như là đồ nhắm vậy.

Đàn bà điệu lắm cũng chỉ có đến đôi guốc sơn đen nhưng quai vẫn bằng lốp ô tô lạng mỏng đóng vào. Mu bàn chân trần ai ai cũng có vài vệt quai lốp đen sì thành chai rửa không sạch.

Vẫn là dôi dép thôi nhưng từ khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, người Hà Nội có thêm khá nhiều kiểu, nhiều loại dép không bằng lốp ô tô nữa. Dép nhựa tổ ong ra đời như một cuộc cách mạng phổ cập guốc dép cho toàn dân. Guốc nhựa và guốc vẽ bút lửa cho đàn bà. Dép da Sa-pô đế 5 phân cải thiện đáng kể chiều cao cho đám thanh niên còi cọc cả nam lẫn nữ lớn lên trong chiến tranh. Dép sandal da nhiều kiểu cho công chức văn phòng. Trong phòng tắm mỗi nhà bắt đầu đã có vài đôi guốc mộc dùng riêng. Nhưng người Hà Nội thường lau nhà sạch bóng không cho ai mang guốc dép vào. Cái văn hóa bỏ giày dép ngoài cửa của người Hà Nội chẳng biết có từ bao giờ nhưng chắc chắn còn rất lâu nữa mới có thể bỏ được. Giờ may ra mới chỉ phá lệ cho khách khứa đi giày vào phòng khách mà thôi. Đấy là với những gia đình có phòng khách riêng biệt ở tầng dưới. Khách lên tầng trên vẫn xin mời tụt giày. Giày dép bỏ ra khỏi chân tiềm ẩn nhiều nguy cơ trở thành “Anh hùng chân đất”. Trộm nhón tay khều mất dép là chuyện thường. Lại còn những răng lợi của lũ chó mèo non của chủ nhà nuôi làm cảnh nữa. Lũ ấy chẳng hiểu sao rất thích tấn công giày dép của khách?

Ngày nay, Hà Nội cơ man nào là giày dép. Nhưng rất lạ là phố Hàng Giày bây giờ không sản xuất, buôn bán mặt hàng này nữa. Người ta chuyển sang mở hàng ăn và đóng oản cho người đi chùa. Phố Hàng Dầu bây giờ mới là trung tâm giày dép bình dân. Hàng giày dép lan cả sang hai con phố bên cạnh là Lò Sũ và Hàng Thùng. Hàng giày dép thời trang và đồ hiệu cũng nườm nượp mở ra trên phố và trong các siêu thị. Người Hà Nội tự mình bù đắp cho những tháng năm thiếu thốn giày dép bằng cách mua về nhà hàng chục đôi cho mỗi người. Tủ giày ở những gia đình khá giả to hơn cả tủ áo. Tủ giày ở nhà người mẫu và ca sĩ nhạc sến có thể sánh ngang với giá bày giày dép ở cửa hàng dù chân thì vẫn mỗi người một đôi thôi.

Những “Anh hùng chân đất” vĩnh viễn không bao giờ còn được ca ngợi nữa!

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục