Quãng đầu thế kỷ trước Hà Nội là nơi tập trung đông đảo thợ thuyền đủ các nghề. Người ta lập thành từng phường nghề sống tập trung trên những con phố mang chính cái tên nghề nghiệp của mình. Hàng Bạc làm đồ trang sức vàng bạc. Hàng Đường bán buôn đường và làm mứt, ô mai, các loại bánh ngọt. Hàng Cân chế tạo và bán cân…
Đô thị ngày một mở mang và đồ đạc cũng ngày một phong phú lên. Những con phố nghề về sau chỉ còn đảm nhiệm việc chính là buôn bán và sản xuất tại chỗ. Lúc ấy bắt đầu xuất hiện những tốp thợ dạo đi khắp hang cùng ngõ hẻm phố phường. Họ sửa chữa những đồ đạc cũ hỏng trong các gia đình. Quanh năm không hết việc.
Mùa xuân đến, tiết trời ẩm ướt là lúc cánh thợ sơn dạo quanh phố phường. Đồ nghề chẳng có gì nhiều nhặn. Một tráp sơn sống đậy giấy bản, vài viên đá mài, giấy ráp, mấy chiếc thép sơn bằng tre. Họ đi gắn những tay ghế xa lông mặt đá, nghi môn những chiếc tủ chè bị long rụng. Tất cả những đồ gỗ kiểu cổ ngày xưa đều chỉ có duy nhất một thứ keo để gắn, đó là sơn ta thường chỉ khô trong môi trường ẩm ướt. Họ mài giũa những chỗ rơi rụng cho hết nhựa sơn cũ, phết sơn mới trộn mùn cưa mịn lên, buộc dây chun cố định mối dán rồi dùng khăn ẩm phủ lên để ủ. Phải một ngày mới khô. Còn mất thêm rất nhiều công để mài giũa trau chuốt lại vết dán cho đến lúc nhìn không thấy mối nối mới thôi. Đám thợ này cũng có vài anh láu cá cố tình làm ẩu. Sang năm nhớ địa chỉ lại tìm đến đúng nhà cũ là có việc làm.
Mùa hè nhộn nhịp rất nhiều thứ nghề dạo. Vài ông hàn xoong, hàn nồi rao váng đường. Đồ nghề trong cái bị cói của ông ấy rất đơn giản. Một chiếc búa nhỏ, vài mảnh xoong nhôm cũ, một chiếc kéo lưỡi ngắn cắt sắt. Và không bao giờ thiếu cục đất sét dẻo, một mớ dây khoai lang còn nguyên lá. Xoong nồi thủng họ cắt rộng lỗ ra và xẻ răng cưa cái lỗ. Ướm miếng nhôm cũ vào đấy cắt đúng hình và xẻ răng cưa vành ngoài. Khớp miếng vá vào bẻ răng cưa dùng búa tán nhẹ nhàng. Công đoạn cuối cùng là xát lá khoai và đất sét cả hai mặt xoa đều, lau sạch. Lỗ to, lỗ nhỏ, lỗ nào cũng vá. Vá đến hết chỗ thì thay hẳn cái đít nồi. Hỏng nữa thì cái nồi ấy vẫn có thể dùng để trả công vá cái nồi khác.
Những ông thợ ghế mây từ trong Yên Sở hoặc Sơn Đồng ra khoác trên vai bó sợi mây trắng ngà bắt đầu công việc vào lúc nửa buổi. Chẳng hiểu sao lại thế? Việc đan lại cái mặt ghế và cái tựa chẳng hết nhiều thời gian, khó nhất là buộc lại những nút liên kết rất nghệ thuật ở phần chân ghế. Nghề này chỉ tồn tại cho đến lúc cuộc chiến tranh phá hoại nổ ra trên miền Bắc. Hòa bình về hình như ghế cũ đã hỏng hết. Cũng không mấy người còn đủ tiền sắm ghế mây mới. Lúc ấy hầu như cả thành phố đã chuyển sang dùng những giường tủ, bàn ghế do mậu dịch đóng và bán phân phối.
Những ông thợ bật bông từ Trát Cầu - Thường Tín ra lập phường bật chăn bông từ vài trăm năm trước ở chỗ phố Hàng Bông bây giờ. Vài người thợ không đủ vốn vẫn vác cung đi bật dạo cho đến tận giữa thập kỷ 60. Đồ nghề của mấy bác này vào hạng cồng kềnh nghênh ngáo nhất phố. Phải đủ cả cầu, cả cung, cả đòn ngồi và dùi gỗ. Đã thế, tiếng dùi bật trên dây cung ủng oẳng suốt ngày nghe đến sốt ruột. Nhưng chẳng có cách nào khác. Chăn bông thời ấy nặng trịch bết bát chỉ sau một mùa đắp. Nhà nào có trẻ nhỏ còn nhanh hơn thế.
Minh họa: Khanh Mai
Thợ mài dao kéo loanh quanh trên khu vực Bờ Hồ khá nhiều. Vài người ngồi ở những gốc cây cố định. Số còn lại lang thang trên phố với tiếng rao sắc lẻm vang vọng không lẫn vào đâu được. Chẳng hiểu hồi ấy người Hà Nội cắt cứa những gì mà lắm thế. Thợ mài dao từ lúc ngồi xuống cho đến lúc ra về nhiều hôm không kịp ăn cơm trưa.
Thợ mộc dạo phát triển nhất vào thời chiến tranh kéo dài cho đến hết bao cấp. Bàn ghế, giường tủ nhà nước bán ra thường được đóng bằng gỗ tạp nhuộm phẩm nghệ vàng khè, cong vênh, mối mọt ngay từ lúc khuân ở mậu dịch về. Nhiều cái phải gọi thợ sửa ngay lập tức. Thợ mộc dạo nhiều người ở Hữu Bằng - Thạch Thất kéo ra, chắc hẳn cũng chỉ là loại thợ không đủ tay nghề để sống ở ngôi làng nổi tiếng về nghề mộc ấy, trong hòm đồ để ý thấy vật dụng nhiều nhất là dăm lạng đinh các cỡ.
Thợ dạo đã lùi vào ký ức khoảng hai chục năm nay rồi. Chẳng còn ai bật lại chiếc chăn bông nữa. Gắn đồ gỗ cổ bằng sơn ta lại càng không. Không bao giờ còn trông thấy cái xoong nhôm vá. Hãn hữu lắm mới có ông thợ mài dao kéo lảng vảng vào những con ngõ sâu.
Vẫn còn vài ông thợ mộc dạo ăn mặc bảnh chọe đậu xe máy bên vỉa hè công viên, hòm đồ sau xe khóa kín, chẳng biết trong ấy có còn nhiều đinh như ngày nào?
ĐỖ PHẤN