Làm một cuộc điều tra xã hội học bỏ túi như thế này. Có bao nhiêu các bậc phụ huynh tầm 40 tuổi bây giờ nhớ được tên cô giáo dạy lớp một? Kết quả không ngờ, chỉ có 2 trong số 10 người trả lời được và kèm theo là câu chuyện họ bị trách phạt nhiều lần khi học lớp tiểu học đầu tiên ấy. Lại hỏi các bậc phụ huynh quãng 50 tuổi cùng câu hỏi, thậm chí học cùng lớp với nhau. Câu trả lời là mỗi người có một cô giáo dạy lớp một chẳng liên quan gì đến nhau kể cả cái tên. Phụ huynh tầm 60 tuổi bây giờ chỉ nhớ đại khái tên cô giáo chủ nhiệm năm học cuối cùng và nhớ nhiều lắm được một nửa số bạn cùng lớp.
Lũ trẻ những năm chiến tranh chuyển trường như cơm bữa, tùy theo hoàn cảnh địa phương nơi sơ tán và cũng tùy mối thân thuộc của phụ huynh với nơi ấy mà được học hành. Thầy cô giáo Hà Nội những năm ấy cũng sơ tán về nông thôn. Có người xin được dạy học ở địa phương cũng là may mắn. Nhiều thầy cô giáo phải bỏ nghề. Giáo viên thời chiến đau ốm luân chuyển như cơm bữa, vài tháng lại có một cô giáo chủ nhiệm mới toanh. Đã thế, nghề sư phạm lại đứng ở hàng cuối cùng trong lựa chọn của học sinh khi vào đại học, chỉ là bất đắc dĩ mà thôi, “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, ngoài ra Sư phạm”. Nhớ được hết tên cô giáo chủ nhiệm trong mười năm học phổ thông ngày ấy chẳng dễ dàng.
Học sinh thời chiến ngày 20-11 thường mặc bộ quần áo tươm tất nhất mà mình có để đến trường. Tất cả dự lễ kỷ niệm chung ở trường. Thầy hiệu trưởng đọc bài diễn văn chúc mừng các thầy cô. Liên đội trưởng nhà trường cũng đọc một diễn văn tương tự với lời văn rất người lớn, đại khái véo von công lao trời bể của các thầy cô giáo, cuối cùng là hứa hẹn cố gắng đền đáp công lao ấy, chỉ có cái giọng kim chưa vỡ tiếng léo nhéo là đúng với lứa tuổi. Thời sơ tán tuyệt đối không có đứa nào đến thăm thầy cô giáo vào dịp này. Thầy cô không muốn thế, bởi vì ngoài giờ lên lớp thầy cô ở nhà cũng phải thái chuối, băm bèo, nấu cám lợn, phụ giúp vào bữa cơm đạm bạc của gia đình.
Minh họa: NGỌC THIỆN
Sau năm 1968, tất cả được về học tại Hà Nội, bấy giờ mới có phong trào đến thăm thầy cô vào ngày 20-11. Lũ trẻ vui vì được tự do ra khỏi nhà đi chơi với chúng bạn. Từng nhóm mua cân cam, túi đường mậu dịch đến thăm thầy, còn thầy cô tiếp học trò cũng bằng những quả cam chúng mang đến, thầy giáo có thêm ấm nước chè ba hào. Cô giáo thường cho bọn học sinh uống nước lọc rót ra từ ấm tích. Cũng may ngày ấy có những chiếc ấm tích Bát Tràng dung tích lớn, có thể rót nước mời cả một lớp học sinh vẫn chưa hết. Lũ trẻ vui hơn khi ngày hôm ấy được gần gũi với thầy cô còn hơn cả các bậc phụ huynh ở nhà. Có bao nhiêu khuyết điểm ở trường được thầy cô chỉ bảo tận tình và cho qua hết. Nhiều đứa ân hận chảy nước mắt.
Thế nhưng phong trào đi lễ tết thầy cô không dừng ở đấy, nó liên tục lớn mạnh và biến tướng, đến mức trong một năm học bây giờ không chỉ còn ngày 20-11 là đến thăm tặng quà thầy cô giáo nữa. Cũng không chỉ lũ học sinh mà còn có cả rất nhiều bậc phụ huynh cũng kéo nhau đến chúc tụng thầy cô giáo. Không chỉ học sinh phổ thông mà cả sinh viên đại học và hơn thế cũng có phong trào đến thăm thầy cô dịp lễ tết. Và cũng không ít thầy cô chẳng mặn mà gì với việc tiếp khách chỉ để nhận những lời chúc tụng sáo mòn. Vài thầy cô ở những trường dân lập còn thẳng thắn bày tỏ nguyện vọng không tiếp phụ huynh và học sinh ở nhà riêng. Chuyện này không mới nhưng hình như những thầy cô như vậy luôn là thiểu số từ rất lâu rồi.
Giáo dục phi lợi nhuận là khẩu hiệu nhiều nhà cải cách tâm huyết đề ra đã hàng chục năm nay nhưng hình như chưa được hiểu đúng. Thực ra thì học phí vẫn thu đủ, thu đúng hạn. Chỉ có lợi nhuận sau khi trừ chi phí lại được tiếp tục dùng để đầu tư cho trường sở. Chuyện này thì chỉ có lãnh đạo trường và các cổ đông biết với nhau. Cả học sinh và giáo viên vẫn học và dạy như bình thường. Cuối cùng thì người Việt vẫn chưa bao giờ quên câu tục ngữ “Muốn sang phải bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Tuy nhiên, rất nên tránh việc cho trẻ con lớp một đi theo phụ huynh đến nhà cô giáo đưa phong bì. Chúng sẽ nhớ rất lâu chuyện đó kèm theo tên cô giáo!
Đỗ Phấn