Giờ thì “tái chế” gần như là một khẩu hiệu của toàn thế giới nhằm bảo vệ môi trường. Đã xuất hiện những doanh nghiệp làm giàu từ rác thải trên thế giới và ở Việt Nam cũng bắt đầu có mặt.
Thế nhưng ít ai còn nhớ Việt Nam, nhất là ở miền Bắc thời chiến tranh bao cấp đã từng là nơi có phong trào tái chế đồ vật một cách tự giác và sâu rộng. Có thể kể đến bắt đầu từ chiếc lốp ô tô. Ngay từ thời kháng chiến chống Pháp, đại tá Hà Văn Lâu đã có sáng kiến biến chiếc lốp ô tô cũ thành những đôi dép cao su bền bỉ dẻo dai trang bị cho hầu hết bộ đội, cán bộ và dân công ở chiến khu. Đôi dép lốp đã là một phần quan trọng làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Thậm chí nhiều lãnh đạo còn dùng đôi dép này cho đến tận những năm đánh Mỹ.
Minh họa: P.S
Giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh chống Mỹ, dép lốp vẫn là quân trang phát cho bộ đội chủ lực. Những năm sau nhu cầu dép cao su của toàn dân lớn lên, đã có lúc nhà nước cho nhập về lốp ô tô cũ để sản xuất. Dép cao su phải có dụng cụ đi kèm không thể thiếu. Đó là chiếc rút dép được chế tạo đơn giản bằng thép đai thùng hàng gập đôi mài mỏng ngắn chỉ bằng ngón tay. Đàn ông nghĩa hiệp lúc nào cũng có một chiếc bỏ trong ví. Đàn bà đi đứng mềm mại đoan trang nhưng chẳng hiểu sao ngày ấy rất hay bị tuột quai dép. Cuối cuộc chiến tranh, bắt đầu có dép cao su đúc nhập khẩu. Một bước lùi vĩ đại của công nghệ khi dép cao su đúc sao chép lại cấu tạo bộ quai rút của dép lốp thủ công trước đấy. Đó cũng là lúc lốp xe tất cả các loại trở nên thiếu thốn trầm trọng. Người ta nghĩ ra cách tái chế lốp cũ để sử dụng. Lấy lại phần mành lốp cũ đắp thêm cao su mới vào lưu hóa lần nữa thành lốp mới.
Hà Nội những năm tháng chiến tranh bao cấp còn là khu công nghiệp lớn nhất miền Bắc. Những phế liệu từ các nhà máy xí nghiệp thải ra gần như chẳng có thứ gì vứt đi. Đề-xê sắt dập vỏ đồ hộp lấy ra đan thành chiếc làn đi chợ, chiếc chuồng nuôi gà trên sân thượng. Chiếc làn han gỉ này có thể thay mặt chủ nhân xếp hàng mà không sợ mất. Quần áo cũ nát kể cả giẻ lau máy cào lại thành bông tái sinh để sản xuất ra những chiếc chăn bông nặng trịch. Lốp xe cũ sau một lần đắp lại cũng chưa được vứt đi. Nó biến thành những thùng, những chậu, những gàu cao su đựng nước. Săm xe hỏng biến thành những sợi dây thun buộc hàng. Sắt thép cũ, vỏ thùng phuy chế tác lại thành muôn dạng đồ dùng đựng nước hàng ngày. Ống bơ sữa bò cho trẻ em biến những chiếc đèn dầu hết sức thông dụng rẻ tiền. Gỗ vụn ở các xí nghiệp mộc được gom lại tái chế thành những bộ bàn ghế trẻ con xinh xắn. Bày bán ở Bách hóa tổng hợp đề hẳn là “Bộ bàn ghế tiết kiệm. Giá…”. Gạch phồng, gạch vụn ở nhà máy xếp riêng từng đống bán tự do cho dân xây nhà.
Dĩ nhiên những phế liệu thủy tinh, giấy, kim loại ở các nhà máy thì cho đến bây giờ vẫn là mặt hàng được ưa chuộng ở khá nhiều làng nghề quanh Hà Nội.
Đó mới chỉ là những đồ vật được tái chế ở tầm mức quy mô có thể mang bán ra thị trường. Trong mỗi gia đình Hà Nội lúc ấy chính là những xưởng tái chế nhỏ hơn phù hợp với tay nghề của chủ nhà. Có nghề may thì quần áo cũ của người lớn dần được thu nhỏ bỏ chỗ rách cho trẻ con dùng. Thạo nghề đan len thì áo cũ của bố tháo ra còn đan lại được vài lần cho đàn con mặc rét. Đứa bé nhất thường mặc chiếc áo len mục phải nối hàng ngàn mối. Bà chủ gia đình khéo tay còn cố tình lộn trái mặt nối khâu ra ngoài thành áo lông xù. Bát đĩa, nồi xoong thủng vỡ mang ra hàn gắn lại còn dùng được chán trước khi mua cái mới. Người Hà Nội lúc ấy chỉ sợ nhất là hôn nhân đổ vỡ. Nó là thứ khó bề hàn gắn và nếu có “tái chế” thì cũng “ông chẳng bà chuộc” chẳng đâu vào đâu.
Thật ngạc nhiên khi bây giờ công nghệ tái chế đã vô cùng tiến bộ ở quy mô lớn thì người Hà Nội lại mất đi tác phong cần kiệm nhặt nhạnh những đồ vật cũ. Cô em đồng nát cưỡi chiếc xe máy bật loa vào ngõ rao váng tên những thứ cần mua. Chủ nhà chạy ra cho rất nhiều chai lọ và họa báo cũ nhất định không lấy vì không có trong danh sách. Thế là lại phải mất thêm mươi nghìn nhờ cô ấy mang vứt ra thùng rác đầu phố.
Nhưng vẫn có một thứ chẳng ai mong “tái chế” lại làm gì. Đó là chế độ tem phiếu thời bao cấp!
ĐỖ PHẤN