Để thực hiện Thông tư 17/2012 ngày 16-5-2012 của Bộ GD-ĐT quy định về dạy thêm học thêm (DTHT), mới đây, tại hội nghị giao ban công tác DTHT năm học 2017-2018, Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu phải công khai địa chỉ các cơ sở DTHT, danh sách giáo viên, nội dung giảng dạy… để địa phương và phụ huynh theo dõi, giám sát.
Cùng với đó, các cơ sở dạy thêm có thu tiền phải xin phép, dù chỉ dạy 1 học sinh; giáo viên không được đứng tên xin cấp phép, mà người đứng đơn xin phép phải là các trung tâm, đơn vị tư nhân.
Thoạt nhìn, chủ trương của Sở GD-ĐT TPHCM là nhằm thực hiện đúng thông tư của bộ với tinh thần công khai, thể hiện luôn đứng về phía lợi ích của người dân, ở đây là học sinh và phụ huynh.
Mặt khác, cách làm lần này có vẻ mềm mỏng hơn, không mang tính áp đặt mà dư luận đã nhiều lần lên tiếng than phiền. Còn nhớ, năm ngoái, để “chống đỡ” với Thông tư 17, nhiều phụ huynh đã tự nguyện lấy nhà mình làm điểm dạy thêm, mời thầy cô về dạy cho nhóm năm ba học trò chuẩn bị thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp THPT. Nhiều trung tâm, trước đấy vắng vẻ, đìu hiu, với chủ trương mới, bỗng dưng đông đúc, nhộn nhịp, thầy trò ở đâu tự dưng tụ về, chỉ vì… trung tâm đó có giấy phép.
Một thực tế cần ghi nhận: Học sinh và phụ huynh phản ứng với chuyện DTHT vì có trường, có thầy cô đã cố tình ép học trò phải học thêm với mình bằng cách cho những bài kiểm tra đã dạy trước cho những học trò đến lớp riêng, nhà riêng của mình để học thêm. Chuyện phải học thêm bất đắc dĩ đó khác với nhu cầu học thêm để thi vào các trường chuyên, trường đại học, cao đẳng. Việc DTHT sẽ là phù hợp nếu việc học trở nên nhẹ nhàng, hoàn toàn tự nguyện, nội dung học được giảm tải, không còn nặng tính hàn lâm, chú trọng đến trải nghiệm và thực tiễn - điều mà ngành giáo dục TPHCM đang hướng đến trong năm học này và được dư luận rất đồng tình.
Việc cần làm hiện nay là nên sửa đổi Thông tư 17 cho phù hợp với thực tiễn, thực sự hợp lòng dân. Điểm dạy thêm dù chỉ 1 học sinh cũng phải xin phép, vậy thầy cô dạy kèm cho học sinh yếu kém ở nhà theo yêu cầu của phụ huynh có phải xin phép không? Giáo viên không được đứng đơn xin phép, vậy người đứng đơn cần những tiêu chuẩn gì để mở điểm dạy thêm, nếu có điều gì xảy ra cho học sinh thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Thông tư 17 còn yêu cầu các địa phương “phải kiểm tra và xử lý các điểm dạy thêm không phép” là một yêu cầu nặng tính hình thức và không khả thi. Các hành vi vi phạm như xả rác, tiểu bậy, đậu xe trái phép, dán quảng cáo bừa bãi… đều có quy định để xử phạt mà UBND phường không có cán bộ để làm, nay chẳng lẽ chỉ học thêm tại nhà mà cán bộ phường cũng đi dò la và xộc vào lập biên bản?
Mặt bằng giáo dục các địa phương không đồng đều nhau, nên Thông tư 17 cần được chỉnh sửa cho phù hợp. Ngành giáo dục không nên ôm đồm, mà nên để dành sức cải tiến nội dung giảng dạy theo hướng thực học, lúc ấy thì dạy thêm không còn là chuyện để bàn.