Hiện nay, nhất là đối với lĩnh vực xuất, nhập khẩu hàng hóa; ngoài giấy phép kinh doanh thông thường, các bộ, ngành quản lý còn có những quy định riêng và doanh nghiệp (DN) muốn xuất, nhập khẩu hàng hóa phải xin thêm những giấy phép con.
Tại hội nghị đối thoại giữa các DN với chính quyền TPHCM mới đây, Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM cho biết, đối với việc kinh doanh tại khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN-KCX), theo quy định tại Nghị định 29/2008/NĐ-CP của Chính phủ, KCN là khu chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện dịch vụ cho sản xuất công nghiệp. Do đó, việc đăng ký kinh doanh với các ngành nghề bán lẻ tại khu vực này bị vướng. Cụ thể, trường hợp chi nhánh Công ty TNHH Sài Gòn Co.op Củ Chi-cửa hàng Coop Food KCN Tây Bắc Củ Chi, sau khi Liên hiệp HTX Thương mại TP triển khai cửa hàng Co.op Food tại đây, ngoài hồ sơ đăng ký thông thường, Liên hiệp HTX Thương mại TP phải làm công văn xin được chấp thuận hồ sơ đăng ký kinh doanh tại KCN gửi UBND TP và Sở Kế hoạch-Đầu tư và khi có sự đồng ý của Ban quản lý KCN-KCX thì mới được giải quyết cho đăng ký kinh doanh với các ngành, nghề bán lẻ tại KCN-KCX. Còn tại diễn đàn đối thoại giữa lãnh đạo hải quan với các DN có vốn đầu tư nước ngoài FDI, đại diện Công ty TNHH Intel Products Việt Nam phản ánh: DN khu chế xuất muốn phát triển hệ thống phân phối nội địa. Tuy nhiên, với một lô hàng, DN phải xin giấy phép nhập khẩu, sau đó xuất cho Intel và Intel lại phải xin giấy phép nhập khẩu. Như vậy, với một lô hàng nảy sinh ra 3 giấy phép rất phiền hà.
Trong những năm qua, nhà nước đã có những cải tiến trong việc xây dựng hệ thống pháp luật theo hướng thông thoáng nhằm tạo thuận lợi cho người dân, DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, sự ra đời của Luật Doanh nghiệp đã tạo ra sự thông thoáng, thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi làm thủ tục thành lập DN. Điều này đã được cộng đồng DN ghi nhận và đánh giá cao vì đã giúp cho tổ chức, cá nhân rút ngắn được thời gian làm thủ tục hồ sơ cũng như chi phí đi lại. Tuy nhiên, nếu sự cải tiến chỉ thực hiện ở một số cơ quan, đơn vị nhưng thiếu sự triển khai đồng bộ giữa các bộ, ngành liên quan thì hiệu quả mang lại sẽ không cao và DN vẫn còn bị “hành” vì thủ tục hành chính. Hơn lúc nào hết, để người dân, DN yên tâm trong quá trình sản xuất kinh doanh, nhà nước cần xem xét thống nhất một đầu mối, một giấy phép kinh doanh tránh tình trạng một DN khi muốn xuất, nhập khẩu hàng hóa phải chạy ngược chạy xuôi xin tới 2-3 giấy phép như hiện nay.
ĐÌNH LÝ