Giềng mối gia đình lung lay vì tiền

Giềng mối gia đình lung lay vì tiền

Câu chuyện quanh cái chết của một cô gái Việt Nam tại Singapore, vốn là một người có học và gia đình khá giả, chỉ vì người tình không gửi tiền sang cho cô đóng học phí khiến nhiều người xót xa, không hiểu nổi. Một vị lãnh đạo tỉnh hoặc không kiềm chế được bản năng, hoặc quá tự tin vào sự thành công của mình, sống buông thả mới bị kỷ luật. Điều gì đang xảy ra?

Minh họa: A.Dũng

Minh họa: A.Dũng

Mới đây ở Trung Quốc, Đại học Trùng Khánh và Đại học Tây Nam là những trường đầu tiên ra quy định cấm sinh viên trở thành trai bao hay bồ nhí, hoặc những mối quan hệ một đêm. Sinh viên nào vi phạm sẽ bị đuổi học. Xem ra, Trung Quốc đã bắt đầu tuyên chiến với những mối quan hệ tình dục với người có gia đình hoặc cố tình phá vỡ những mối quan hệ hôn nhân của người khác. Quy định như thế này nhằm ngăn chặn sinh viên chỉ vì tiền mà trở thành tình nhân của những người giàu có.

Tất nhiên, quy định như thế này đã gặp những phản ứng khác nhau trong xã hội. Nhiều người cho rằng quy định này không khả thi và vi phạm tự do thân thể, tự do tinh thần của mỗi cá nhân. Sự tranh luận được mô tả khá nhiều chiều, đồng tình để vãn hồi các giá trị đạo đức truyền thống và cả chống đối bởi những bất bình đẳng trong xã hội ngày càng nhiều.

Xã hội Việt Nam đang có những nét tương đồng. Các gia đình đều có nguy cơ rạn nứt bởi các mối quan hệ ngoài hôn nhân mà nguyên nhân là do tiền bạc. Đã vậy, một hệ thống truyền thông, đặc biệt là báo mạng, trong quá trình thông tin lại dường như đồng cảm, không lên án những hành vi này. Chỉ cần vào mạng là nhan nhản thấy các bài viết về các cô gái chân dài cặp đại gia. Những thông tin chi tiết về chân dài này mấy tháng trước ở với đại gia  này, tháng sau ở với một đại gia khác, nhẹ như lông hồng. Thậm chí, có ca sĩ khi có con với một thiếu gia “đại” tiền bạc nhưng chỉ đứng đến vai cô, người ta đưa lên thông tin chuyện tình ái của cô rằng trong một thời gian đã sống chung với nhiều người. Điều đáng nói, cách đưa tin săm soi, thỏa mãn trí tò mò khiến cho người đọc dần dần thấy đó là những chuyện bình thường.

Lại có những trang báo thông tin dường như cổ vũ cho lối sống bà mẹ đơn thân, tự sinh con và nuôi bằng tiền mình làm ra, hoặc tài trợ từ người đàn ông là bố của con mình nhưng là ông chủ của một gia đình khác. Trong đó, sinh hoạt hàng ngày của bà mẹ đơn thân, hình ảnh của những đứa trẻ không cha (chính danh) được đưa lên rất đáng yêu và đẹp đẽ. Xu hướng này đang lan rộng khiến mô hình gia đình truyền thống không còn được xem trọng và có nguy cơ phá vỡ. Quá nhiều những thông tin yêu nhau, bỏ nhau, ngoại tình mà thiếu hẳn mảng định hướng những giá trị truyền thống tốt đẹp khiến một lớp trẻ coi những giá trị trong xã hội chỉ là tiền bạc. Có tiền họ có thể mua hàng hiệu, vào bar để thể hiện đẳng cấp sành điệu. Các giá trị xã hội dường như bị đảo lộn…

Nguyên nhân vì sao dẫn đến tình trạng này? Rõ ràng xã hội phát triển nhanh, với cuộc sống vật chất đang được cải thiện mạnh mẽ trong những năm gần đây, nhưng đồng thời cũng tạo nên những mâu thuẫn xã hội. Có những người bỗng nhiên giàu lên, họ cần phô bày sự thành công của mình. Bằng chứng là xe hơi và túi xách siêu sang, kim cương đắt giá được mua bằng tiền mặt, ùn ùn nhập về. Người đàn ông thành công cần thể hiện sự thành công của mình và được ngưỡng mộ bằng việc có bồ đẹp, có vợ bé. Người đàn bà thấy mình cần phải bù lại những năm tháng tuổi trẻ lăn lộn bằng việc bao trai trẻ. Trong khi đó, những người trẻ, nhất là các sinh viên, hàng ngày đối mặt với thực trạng này, họ thấy mình cần phải bước qua sự thấp kém của xuất xứ bản thân tước đoạt lại một phần nào đó từ những người giàu có, là chấp nhận có những mối quan hệ tình dục, già nhân ngãi non vợ chồng… để nhanh chóng đạt được sự thỏa mãn cá nhân.

Tất cả những điều này đang làm cho giềng mối trong gia đình bị lung lay. Việc Trung Quốc đến nay bắt đầu can thiệp để xử lý tình trạng này, đặc biệt là trong môi trường học tập tại đại học, vốn được coi là thành trì của đạo đức, của nơi tụ hội tinh hoa trong xã hội, dù sao cũng nhận được sự chú ý của công luận. Còn chúng ta, hiện tượng xã hội này chưa được đề cập đến một cách thấu đáo, đó đang là một nguy cơ xã hội.

Trần Nghị

Tin cùng chuyên mục