“Chú đó tốt lắm á. Chú luôn quan tâm hỏi han gia đình ngộ (tức tôi - PV) từ hồi còn khó khăn. Giờ nhà bớt khó đi rồi, mà chú vẫn qua lại hỏi thăm sức khỏe ông già bà lão như ngộ”, đó là lời tâm sự chân thành bằng giọng nói pha lẫn ngôn ngữ tiếng Hoa của bà Lương Muối (ngụ đường Nguyễn Thị Nhỏ, phường 15, quận 5, TPHCM), khi nói về tổ trưởng dân phố Đoàn Tuấn Thuận - người có hơn 20 năm làm công tác dân vận tại khu vực đông đảo người Việt gốc Hoa sinh sống.
Chia sẻ về công việc dân vận tại nơi có tính chất đặc thù này, ông Đoàn Tuấn Thuận cho hay, ban đầu cảm thấy khá khó khăn bởi bất đồng trong cách thể hiện ngôn ngữ. Nhiều chính sách nhà nước ban hành, ông phải suy nghĩ nhiều cách để làm sao cho dễ dàng truyền đạt mà vẫn giữ được ý nghĩa. “Ban đầu thì vất vả, nhưng rồi tôi thấy mình nỗ lực hòa mình với bà con, hiểu họ, gắn bó cùng họ, thì họ cũng sẽ đáp lại tình cảm của mình”, ông Thuận vui vẻ chia sẻ.
Ông Đoàn Tuấn Thuận (bên phải) hỏi thăm sức khỏe gia đình bà Lương Muối
Sống trong khu vực đông đảo người Hoa sinh sống, ông Thuận dần dà nghe và hiểu tiếng Hoa. Nhờ đó, ông dễ gần gũi hơn với bà con. Đến nhà bà Lương Muối là một trong số nhiều gia đình người Hoa sống tại khu vực Chợ Lớn từ những năm 1950, ông Thuận trao đổi thành thạo bằng Hoa ngữ với gia đình, nghe như ông là một người Việt gốc Hoa thực thụ.
Gia đình bà Lương Muối là một trong nhiều trường hợp ông Thuận vận động giúp đỡ vượt khó khăn. Hiện bà Lương Muối đã 62 tuổi, sống cùng người chồng cũng đã bước sang tuổi 76. Căn nhà nhỏ nằm trong con hẻm số 174 đường Nguyễn Thị Nhỏ của bà Lương Muối mười mấy năm qua đều nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ từ phía tổ trưởng Đoàn Tuấn Thuận. “Ngày trước nhà ngộ nghèo lắm, cũng nhờ chú Thuận báo cáo chính quyền, cho tiền, cho gạo; chú còn xin học bổng cho 2 đứa con trai. Giờ mấy đứa nhỏ mới có được công ăn việc làm đàng hoàng mà kiếm tiền”, bà Lương Muối kể lại.
Không dừng lại ở công tác vận động giúp bà con thoát nghèo, những năm 1980, ông Thuận chuyển về quận 5 sinh sống và công tác tại Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh. Khi còn đương nhiệm trong ban giám hiệu trường, ông thấy nhiều con em nhà nghèo, không được đến lớp, nhưng các em vẫn cháy bỏng ước mơ được học chữ như bạn bè trang lứa. Vậy là ông mở ngay lớp bổ túc phổ cập tiểu học buổi tối, dành riêng cho các em có hoàn cảnh khó khăn, hiếu học. Đây có thể xem là lớp phổ cập đầu tiên của quận 5. Mãi về sau, phong trào này phát triển rộng khắp và cho đến nay, hầu như tất cả trẻ em trên địa bàn phường đều được đến trường.
Dù đã về hưu gần 10 năm, ông Thuận vẫn luôn hết lòng trong việc vận động học bổng, vật dụng học tập cho trẻ em nghèo. Có khi là tập, là vở; có khi là bút, là viết; hoặc có khi chỉ là những lời động viên khuyến học để khích lệ tinh thần các cháu. Với ông Thuận, việc đem chữ đến cho đời, giáo dục thế hệ trẻ qua chữ nghĩa là một điều cao cả và đáng cống hiến của cuộc đời ông.
“Chú Thuận là một người thầy, một cán bộ khiêm tốn. Chú nỗ lực vận động, chăm lo nhiều thứ cho bà con, nhất là góp sức vào Hội khuyến học, nhưng không bao giờ ghi nhận điều đó cho mình. Mỗi khi có phong trào mới, chú là người tiên phong và tích cực nhất trong việc vận động người dân thực hiện”, đồng chí Nguyễn Thanh Phong, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường 15, quận 5, nhận xét về tấm gương dân vận khéo của ông Đoàn Tuấn Thuận.
KHIẾT NHUNG