Gieo những mầm xanh và lắng nghe cuộc sống

LTS:
Gieo những mầm xanh và lắng nghe cuộc sống

LTS: Sáng nay 30-10, tại Hội trường Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM, báo Sài Gòn Giải Phóng sẽ tổ chức lễ trao giải cuộc thi “Prudential - Văn hay chữ tốt” lần thứ 12, năm 2011 cho 14 thí sinh xuất sắc đã vượt qua 3 vòng thi cấp trường, quận (huyện), thành phố. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của ông Trần Tiến Thành, chuyên viên Sở GD-ĐT TPHCM, thành viên Hội đồng giám khảo, nhận xét về cuộc thi.

Học sinh quận 6 (TPHCM) tham dự cuộc thi Prudential-Văn hay chữ tốt

Học sinh quận 6 (TPHCM) tham dự cuộc thi Prudential-Văn hay chữ tốt

"Văn hay chữ tốt” - là một cuộc thi độc đáo. Độc đáo vì yêu cầu rất riêng, rất đặc biệt. “Văn hay” là văn phải giàu ý nghĩa, hấp dẫn, lôi cuốn, gợi rung động; “Chữ tốt” là chữ cân đối, đều, đẹp, nét thanh nét đậm hài hòa, lại chứa đựng cả tâm hồn, tính cách người viết. “Văn hay chữ tốt” - là một cuộc thi khó. Khó vì yêu cầu về sự hài hòa giữa hình thức và nội dung, giữa vẻ đẹp bên ngoài của đường nét chữ viết đến cái chất bên trong của mạch văn, ý văn. Tuy nhiên, theo truyền thống của dân tộc về quan điểm thẩm mỹ, dù có yêu cầu cả nội dung và hình thức nhưng Văn hay được nói trước như một yêu cầu đầu tiên, quan trọng, quyết định. Vì đó là phần hồn của một bài thi.

Đề thi khối 6 - 7 năm nay là một đề thi có sức gợi. Đề bài yêu cầu thể hiện cảm xúc và suy nghĩ về câu chuyện của Mầm xanh vươn lên. Đề bài được in màu với ba hình ảnh về sự phát triển của một mầm xanh. Hình ảnh, từ ngữ gợi bao cảm xúc và suy nghĩ. Có em miêu tả cảm xúc, sự rung động bằng những từ ngữ cụ thể “ngưỡng mộ, thán phục, bâng khuâng, Thương sao… Thương sao…”. Có bài làm là một cuộc trò chuyện rất dễ thương mà ở đó mầm xanh được nhân hóa là “em” - một tiếng gọi thân thương. “Ở mảnh đất đen cằn cỗi ấy, tưởng chừng mọi sự sống đều bị tắt ngấm thì em lại nỗ lực vươn lên dù biết là hy vọng rất mong manh”. (Trần Thị Thanh Tâm - THCS Bình Chiểu, quận Thủ Đức).

Từ cảm xúc về sức vươn lên của mầm xanh, có em cảm nhận rất sâu về vẻ đẹp của một quá trình sống: “Quá trình sống là khoảng thời gian hạnh phúc. Một vùng đất đai cằn cỗi bỗng bừng lên một sức sống thấm đẫm một màu xanh non tươi sáng. Một mầm non mới nhú lên cho đến khi trở thành một bà mẹ khổng lồ của rừng xanh là chắc có lẽ là khoảng thời gian sung sướng nhất của cây”. Võ Thị Hồng Ngọc - THCS Hồng Bàng, quận 5. Từ đó, trân trọng hơn sự sống: “Sự sống - đó là điều tuyệt vời nhất mà tạo hóa đã ban tặng cho mỗi sinh vật trên Trái Đất - hành tinh hình cầu yêu dấu của chúng ta. Một sự sống dù bé nhỏ hay to lớn, dù ngắn hay dài… cũng đều đáng quý, đáng trân trọng, đáng giữ gìn và bảo vệ như nhau”. Lê Huỳnh An Thủy - THCS Chu Văn An, quận 11.

Với giọng tâm tình, em Trần Thị Thanh Tâm - THCS Bình Chiểu, quận Thủ Đức vừa kể về mầm xanh vừa như dặn chính mình về ý chí, nghị lực: “Mầm xanh luôn yêu cuộc sống để cảm nhận rằng “đất đang cười qua những đóa hoa”. Đứng trước bến đỗ của thành công, em càng thấu hiểu hơn ý nghĩa của niềm tin và ý chí quan trọng như thế nào. Chắc chắn đây chỉ là nền tảng để em tạo nên nhiều thành công khác. Để vươn xa và bay cao hơn nữa khát khao và ước mơ của mình”.

Bài làm của thí sinh Trần Thị Thanh Tâm, lớp 7A1 THCS Bình Chiểu, quận Thủ Đức, giải nhất khối lớp 6, 7.

Bài làm của thí sinh Trần Thị Thanh Tâm, lớp 7A1 THCS Bình Chiểu, quận Thủ Đức, giải nhất khối lớp 6, 7.

Như hình ảnh thể hiện trong đề bài, mỗi bài làm là một mầm xanh rất tươi đẹp và giàu sức sống. Ở đó, giám khảo - những người đọc đặc biệt - đã rung động trước vẻ đẹp của chữ viết, của trí thông minh và tâm hồn nhạy cảm.

Đề bài khối 8 - 9 gợi bao suy tư khi đặt ra vấn đề quan sát và lắng nghe để từ đó thấu hiểu lời thì thầm của cuộc sống. Qua thao tác giải thích và câu văn giàu hình ảnh, em Cao Nhã Đình - THCS Bình Tây, quận 6 đã phân biệt sâu sắc sự khác biệt giữa quan sát với nhìn: “Quan sát tức là ta đang nhìn với sự nhận thức rất rõ về những gì ta đang thấy. Nói cách khác, quan sát và lắng nghe là hai cây cọ tô vẽ cho cuộc sống ta thêm sinh động bởi hai thứ màu vẽ mang tên “hình ảnh và âm thanh”. Nhưng nếu động vật coi việc “quan sát và lắng nghe” là bản năng sinh tồn thì con người coi đó là cả một nghệ thuật sống”. Và em Nguyễn Hoàng Thu Trang - THCS Nguyễn Du, quận 1, thì xác định rõ: “Mở rộng lòng mình phải chăng là sống cởi mở, hay nói rõ hơn là sẻ chia suy nghĩ, tình cảm của bản thân với cái chung của xã hội để hòa quyện vào cuộc sống. Ta quan sát và lắng nghe cuộc sống nào phải bằng đôi mắt, đôi tai mà chính ở trái tim giàu nhịp đập”.

Và có những bài làm là quá trình tự nhận thức, là lời tâm tình hãy thay đổi lối sống: “Sống chậm lại, đủ chậm để mở lòng mình ra, để có thể chậm rãi quan sát, lắng nghe, bởi lẽ hạnh phúc đôi khi gõ cửa tâm hồn ta rất khẽ”; Biết lắng nghe, quan sát cuộc sống xung quanh là tốt nhưng đôi lúc chúng ta cần phải lắng nghe tiếng nói bên trong của bản thân mình nữa (…). Khi chúng ta biết lắng nghe lòng mình, cũng là lúc chúng ta biết suy nghĩ nhiều hơn. (Trần Thanh Ngân - THCS Lê Văn Tám, Bình Thạnh).

Có thể nói, mỗi bài làm là một tác phẩm, riêng biệt và độc đáo. Nơi đó, cả người viết và người đọc đều cảm thấy rung động trước cái đẹp của “văn hay” và “chữ tốt”. Tuy nhiên bên cạnh nhiều ưu điểm vẫn còn nhiều vấn đề các em cần lưu ý. Về kỹ năng làm bài, một số em vẫn còn viết tùy hứng, chưa chú ý giải quyết vấn đề mà đề bài đặt ra. Các thao tác nghị luận (giải thích, so sánh, bình luận…) chưa được áp dụng hiệu quả. Và vẫn còn đâu đó những câu văn vay mượn, chưa thật sự thuộc về chủ nhân của nó. Có nhiều em quá tập trung cho phần viết chữ mà chưa chú trọng đào sâu nội dung. Về chữ viết, vẫn còn có bài làm bôi xóa, chữ viết chưa trau chuốt.

Đã là thi thì phải kiếm tìm, sàng lọc, sẽ có em được ngợi ca, cũng có em chưa đạt được ý nguyện. Nhưng trên hết, cuộc thi “Văn hay chữ tốt” lần thứ 12 vừa gieo những mầm xanh - ước mơ và hy vọng, vừa là lời nhắc hãy sống và nhận ra những giá trị tươi đẹp từ cuộc sống.

TRẦN TIẾN THÀNH

Tin cùng chuyên mục