Gieo niềm tin

Cuối cùng, như sự mong đợi của người bệnh cũng như cộng đồng doanh nghiệp dược trong nước, Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” vừa được Bộ trưởng Bộ Y tế thông qua. Sự kiện này đánh dấu thêm một bước mạnh mẽ trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mà Bộ Chính trị đã phát động từ các năm qua. Và đó cũng phần nào thể hiện sự quyết tâm của Bộ Y tế trong việc gây dựng nên hình ảnh thuốc Việt cũng như giảm bớt gánh nặng của người bệnh.

Đã là người bệnh, ai cũng đã từng một lần phải móc hầu bao tính tiền mua thuốc méo cả mặt vì giá quá cao, nhất là thuốc ngoại, đặc biệt là thuốc độc quyền nhập khẩu - phân phối. Theo tính toán của Cục Quản lý Dược, chi phí tiền thuốc của người bệnh đã tăng từ 17 USD/năm vào năm 2007 lên tới gần 30USD/năm trong năm 2012. Còn Bảo hiểm Xã hội Việt Nam không khỏi bức xúc vì quỹ Bảo hiểm Y tế thâm lạm bởi phải thanh toán tới 60% chi phí tiền thuốc trên tổng chi phí khám chữa bệnh của người dân. Qua đó để thấy rằng, tiền thuốc quả là một gánh nặng to lớn đối với người bệnh nói riêng và xã hội nói chung.

Sự thực, các cơ quan quản lý, cả Bộ Y tế đều nhận ra điều đó từ nhiều năm qua và luôn canh cánh giảm bớt tiền thuốc cho người dân. Nhưng cách nào? Làm ra sao? Ai làm? Ai chịu trách nhiệm cho tiền thuốc người bệnh? Những câu hỏi ấy thật khó giải đáp. Tâm lý người bệnh sính thuốc ngoại ư! Sự vô tâm của bác sĩ khi kê những toa thuốc ngoại dài ngoằng ngoẵng để ăn chia hoa hồng ư! Doanh nghiệp dược nước ngoài bắt tay bác sĩ kê toa ư! Bao nhiêu thắc mắc nhưng cũng là nỗi bức xức chưa được giải đáp.

Theo tính toán của Bộ Y tế, tỷ lệ tiền mua thuốc sản xuất tại Việt Nam và thuốc ngoại nhập của bệnh viện các tuyến vào năm 2010 là 15.000 tỷ đồng, tăng 22,4% so với năm 2009, trong đó tỷ lệ tiền thuốc sản xuất tại Việt Nam chiếm 38,7%, tăng nhẹ so với năm 2009 (38,2%). Vậy nghĩa là số còn lại dành cho thuốc ngoại nhập.

Theo đánh giá, năm 2008, Việt Nam đã chi khoảng 1,1 tỷ USD cho dược phẩm. Trong năm 2009, con số này sẽ tăng lên khoảng 1,2 tỷ USD do chi phí mua thuốc để phòng chống các dịch bệnh tăng lên. Vào năm 2013, chi phí này sẽ tăng lên khoảng 1,7 tỷ USD. Trong khi, hiện nay, năng lực của ngành dược trong nước đáp ứng được gần 50% về doanh thu, phần còn lại chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu. Vào năm 2013, kim ngạch nhập khẩu thuốc sẽ vượt 1,37 tỷ USD so với con số 923 triệu USD trong năm 2008.

Từ chỗ Việt Nam là nước lạc hậu về công nghệ dược nhưng đến nay điều đó đã khác. Thuốc Việt đã có vị thế. Hệ thống các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước tương đối phong phú, cả nước có khoảng 178 doanh nghiệp sản xuất thuốc (trong đó có khoảng 98 doanh nghiệp sản xuất thuốc tân dược, 80 doanh nghiệp sản xuất thuốc đông dược), ngoài ra có trên 300 cơ sở sản xuất thuốc đông dược (bao gồm các tổ hợp, hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh cá thể tham gia sản xuất thuốc YHCT).

Nhìn chung, công nghệ sản xuất thuốc ngày một nâng cao, đặc biệt là từ khi có các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài hoạt động. Các đơn vị trong nước đã nhập khẩu thiết bị hiện đại, mua dây chuyền công nghệ cũng như tăng cường sản xuất nhượng quyền các sản phẩm công nghệ cao. Các cơ sở đạt GMP đã thực sự cố gắng vươn lên, cải tạo nhà xưởng cũ hoặc xây dựng nhà máy mới đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn GMP và tiếp tục đầu tư, nâng cấp duy trì theo tiêu chuẩn GMP.

Như vậy, phải khẳng định rằng thuốc trong nước sản xuất đã khả quan về chủng loại, chất lượng vấn đề còn lại là phải “gieo” niềm tin để hơn ai hết, chính người bệnh có quyền yêu cầu dùng thuốc Việt, chính bác sĩ phải có trách nhiệm kê toa thuốc Việt bằng tất cả đạo đức nghề nghiệp của người thầy thuốc… 

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục