Thú thật, tôi đã ngại ngần tự nhủ, chắc phải khi nào có việc quan trọng lắm tôi mới lại ngồi xe lên đó. Với tôi là vậy, nhưng với một thầy giáo ở Điện Biên, chỉ cần có cơ hội là anh lại vượt đường xa về Hà Nội, vào TPHCM, đi bất cứ chỗ nào, miễn là nó có ích cho công việc giảng dạy của anh, cho những học sinh vùng khó.
Tiến sĩ tiếng Anh đầu tiên của tỉnh Điện Biên
Đó là TS Lò Văn Pấng, 45 tuổi, giảng viên người Thái Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Điện Biên. Cậu bé Pấng sinh ra ở bản Bhong, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên. Từ nhà đến thị tứ Điện Biên ngày đó xa thật là xa, phương tiện đi lại của cậu chính là đôi chân gầy guộc. Thời đó, dân bản không ai quan tâm việc đi học. Bố mẹ còn không làm giấy khai sinh cho con. Sinh ra còi cọc vì thiếu thức ăn, 8 tuổi, Pấng mới tạm đủ lớn để vào lớp 1.
Suốt những năm tiểu học, THCS, mỗi ngày đi học, Pấng đi bộ 5 - 6km. Đến cái đồng hồ cũng chẳng có. Pấng đến lớp theo “kinh nghiệm” ngó ra màn trời. Vì thế mà nhiều lần cậu đến lớp muộn. Đi học muộn, thầy cô hoặc phạt, hoặc không cho vào lớp, Pấng cũng nản lắm, nhưng Pấng nào dám ra khỏi nhà khi trời còn tối đen, cứ phải đợi rạng sáng.
Hồi đó, giáo viên dạy ở vùng quê của Pấng chủ yếu là người Kinh lên, các cô cũng chưa hiểu nhiều về ngôn ngữ, phong tục người Thái, vì thế mà cô - trò không hiểu nhau, dẫn đến nhiều câu chuyện buồn vui lẫn lộn, đến giờ Pấng vẫn nhớ.
“Hồi xưa người Thái không trồng hoa bao giờ, nhưng trước cửa lớp lại thường có bồn hoa. Cô giáo yêu cầu học sinh mang hoa đến trồng vào bồn. Người Thái không có hoa, người Thái không lấy đâu ra”, Lò Văn Pấng kể.
Có một câu chuyện mà Pấng bảo rất buồn cười là ở Điện Biên, người Kinh thường mang cây hoa 10 giờ trồng trên mộ người đã khuất. Để có hoa trồng ở bồn hoa trước cửa lớp, Pấng và các bạn đi nhổ trộm hoa trên mộ. “Chúng tôi gọi đó là hoa nghĩa trang. Còn thầy cô thì không cần biết. Đó là sự khác biệt về văn hóa và đã không có sự thấu hiểu”, Pấng nói.
Khi lên THPT, cả thị xã Điện Biên lúc đó chỉ có duy nhất 1 trường cấp 3. Pấng không thể đi bộ được nữa. Lúc đó, bố Pấng đã ốm nặng lắm rồi, nhưng ông nói “kiểu gì tao cũng phải cho mày đi học, Pấng ạ”. Rồi ông ngày ngày ngồi tách ngô để bán, góp từng đồng tiền lẻ. Cuối cùng, Pấng cũng có một chiếc xe đạp để đến trường. Năm lớp 10 đó, khi Pấng đã có xe đạp đi học, bố Pấng mất.
Trải qua những ngày tháng đó, Pấng hiểu, dù thế nào, Pấng cũng phải học lên thôi, chỉ có đi học thì mới có cuộc sống tốt đẹp hơn, mới chấm dứt được nghèo khó.
“Ngay từ hồi nhỏ xíu, trong đầu tôi đã luôn lởn vởn câu hỏi: tại sao những người Kinh ở xuôi lên sống tại Điện Biên, ban đầu họ chẳng có gì cả, nhưng sau rồi họ có nhà to, và họ không làm lụng vất vả như người dân tộc thiểu số”.
Tự hỏi, Pấng cũng tự trả lời: “Là do họ được học hành, rồi họ lại cho con cái học hành”. Bố mất rồi, Pấng nói với anh chị: “Muốn được như người Kinh, phải học thôi”. Dù lúc đó, Pấng học là chỉ để mà học, không biết tương lai mình rồi sẽ ra sao.
Đó là lý do mà năm 1995, tốt nghiệp cấp 3, dù còn ngơ ngác, nhưng Pấng đã xác định rất rõ: Pấng không học trung cấp, cũng không học cao đẳng. Pấng chỉ học đại học. Thi trượt rồi thi lại, năm 2000, Pấng tốt nghiệp ngành Sư phạm tiếng Anh, Đại học Thái Nguyên, về Điện Biên làm việc. Nhưng đầu Pấng lúc nào cũng nghĩ phải học lên nữa.
Sau vài năm làm giáo viên tiếng Anh ở huyện Điện Biên Đông, Pấng quyết định thi lên cao học, dù mọi người cản: “Học làm gì, ở vùng sâu vùng xa này không cần học”. Nhưng Pấng thi cao học Sư phạm Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, trở thành thạc sĩ đầu tiên chuyên ngành tiếng Anh của Điện Biên.
Có tấm bằng thạc sĩ, có cơ hội ở lại Hà Nội, nhưng Pấng chọn quay lại quê hương, trở thành giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên. Pấng tâm niệm, mình là người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên tại Điện Biên. Điện Biên cho Pấng đi học. Vì vậy, Pấng luôn muốn gắn bó với quê hương mình, muốn được làm điều gì đó cho mảnh đất này. Rồi Lò Văn Pấng lại xuất sắc giành được học bổng ADS và hoàn thành khóa học Tiến sĩ giáo dục của Trường Đại học Flinders, Australia vào năm 2017.
Tâm nguyện cả đời
Hồi nhỏ, nói ngọng, viết văn sai khi chuyển từ tiếng Thái sang tiếng Việt, Pấng chỉ nhận được sự phê bình. “Khi hỏi màu vàng vọt trong bài Tống biệt hành của Thâm Tâm, tôi bị cô giáo mắng: Học lớp 12 rồi mà còn không biết vàng vọt là màu gì. Rồi cả lớp cười rộ lên. Tôi xấu hổ, mất tự tin”, Pấng nhớ lại.
Kể cả lúc đi làm, Pấng vẫn bị nhận xét: kiến thức tốt đấy, nhưng nói ngọng… Đó là lý do mà Lò Văn Pấng đã nung nấu quyết tâm nghiên cứu phương pháp giáo dục dành cho các học sinh đặc biệt. Điều này ở nước ngoài rất được quan tâm, nhưng ở Việt Nam thì còn ít. Pấng động viên các em học sinh: sự nỗ lực, cố gắng là không bao giờ ngừng nghỉ, đó chính là điều đáng trân trọng nhất của mỗi con người. Nhưng khả năng của mỗi một người có giới hạn, chỉ có thể cố gắng đạt kết quả tốt nhất, đừng tự làm khổ mình vì sự hoàn hảo.
“Như thầy có cố gắng đến mấy, thầy cũng không thể nói tiếng Việt tốt như người Kinh”, Pấng chia sẻ với các em. Khi có sự chia sẻ, đồng cảm đó, các em học sinh rất tự tin.
Một điều mà Pấng làm rất tốt trong những năm qua, đó là chạy khắp nơi tìm dự án về cho học sinh của mình. Các dự án của Đại sứ quán Hoa Kỳ hay các tổ chức quốc tế do anh kết nối đã thực sự mở ra một con đường rất mới mẻ cho học sinh dân tộc thiểu số.
Mới đây nhất, anh vừa xin được học bổng 26.000 USD của Đại sứ quán Hoa Kỳ tài trợ cho 25 sinh viên của trường vừa học tiếng Anh, vừa học các kỹ năng trong vòng 2 năm.
“Có những dự án, thầy trò được đi thực tế ở Hà Nội, các em học sinh dân tộc thiểu số lần đầu xuống phố, đến cách giật bồn cầu cũng chưa biết, nhưng qua mỗi lần trải nghiệm, các em lại trưởng thành lên. Được trang bị kiến thức và kỹ năng, không ai khác, chính các em sẽ trở thành nhân tố để phát triển những vùng dân tộc nghèo khó”, Pấng kỳ vọng.
Pấng cũng mở cả lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh và cán bộ, công chức Điện Biên.
Anh cũng thường xuyên giúp tỉnh phiên dịch trong các cuộc họp có đối tác là người nước ngoài. Lò Văn Pấng chỉ mong muốn được chia sẻ hết kiến thức của mình, tâm huyết của mình cho cộng đồng, cho học sinh, góp phần nhỏ bé cho sự phát triển của quê hương.
Lò Văn Pấng khoe với tôi, tại Hội thi Giảng viên giỏi nghiệp vụ sư phạm toàn quốc lần thứ nhất năm 2020, anh đoạt giải nhì. Anh cũng được mời tham gia thẩm định chương trình tiếng dân tộc thiểu số của Bộ GD-ĐT. Tháng 1-2021, anh vào TPHCM dự hội thảo quốc tế với báo cáo “Giảng dạy tiếng Anh online cho học sinh vùng sâu vùng xa”.
Pấng là thế, công việc luôn rất bận rộn vì vừa giảng dạy ở trường, vừa tự mình dạy các lớp tiếng Anh và kỹ năng sống cho học sinh tại nhà, vừa làm giảng viên, vừa làm điều phối phiên cho dự án mà anh đem về cho học sinh… Nhưng hễ có cơ hội, Pấng lại lên đường. Pấng đã tham gia nhiều hội thảo quốc tế được tổ chức tại Việt Nam, Lào và Australia.
Lò Văn Pấng cũng có không ít đề tài khoa học và các bài báo xuất bản trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế. Đó chính là những cơ hội để giảng viên người dân tộc Thái chiếm lĩnh đỉnh cao của tri thức.
Khi tôi đi tìm nhân vật nhà giáo đặc biệt tại Đại hội thi đua toàn quốc ngành giáo dục năm 2020, các cán bộ của Bộ GD-ĐT đều nhắc đến Pấng. Họ rất trân trọng Lò Văn Pấng bởi những gì anh đang nỗ lực để nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số. Tâm nguyện, ước mơ cả đời của Pấng là gieo động lực để các em thực hiện ước mơ, sống một cuộc đời ý nghĩa. Có lẽ, Lò Văn Pấng đã rất hiểu rằng “giáo dục là vũ khí mạnh nhất để thay đổi”. Càng có nhiều người như Pấng, giáo dục vùng khó càng có cơ hội sớm thoát khỏi vùng trũng, càng có thêm nhiều ước mơ được chắp cánh, nhiều vùng đất được dẫn dắt bởi những người trẻ có kiến thức. Vì thế, Lò Văn Pấng thực sự rất đáng trân trọng.