Gìn giữ giá trị gia đình

Theo báo The New Straits Times, Salina Jaffar là giám đốc một công ty đầu tư trồng rừng. Gia đình chị có 3 con gái. Chị Jaffar cho biết, như nhiều nơi ở châu Á, người Malaysia có thói quen ỷ lại vào người giúp việc nên đôi khi con cái họ trở nên hư hỏng. Vì thế, theo chị, cách duy nhất là không thuê người giúp việc.

Chị thừa nhận cha mẹ đều đi làm, không có người giúp việc thì thật khó xoay xở. Tuy nhiên, chị đã biết cách buộc các con tự làm việc vặt trong nhà. “Chúng phải biết mang chén đĩa xuống bếp, tự dọn đồ chơi sau khi chơi, tự dọn phòng riêng, vệ sinh phòng tắm và tự mặc quần áo ngay từ khi còn nhỏ”, Jaffar tâm sự.

Chị Hing Kok Yin, kỹ sư, thì cho rằng cha mẹ nên cùng tham gia các hoạt động với con cái để thắt chặt sợi dây tình cảm gia đình. Mỗi chủ nhật, chị tới lớp giảng bài về Phật giáo và đã đăng ký cho các con cùng theo học, cùng tham gia tập yoga. Khi lớp yoga tổ chức hội chợ ẩm thực, chị đăng ký bán hàng cùng các con lấy tiền làm từ thiện. Chị xem đây là cách giúp chúng biết giá trị lao động và tham gia công tác từ thiện…

Có thể thấy, tùy vào từng hoàn cảnh, nhiều gia đình tại các nước châu Á đang ra sức gìn giữ các giá trị truyền thống vốn đang bị xói mòn trước trào lưu toàn cầu hóa.   

Tại một hội thảo về gia đình mới đây được tổ chức ở Bangkok, Thái Lan, Viện Nghiên cứu phục vụ gia đình và trẻ em (SERFAC, tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Ấn Độ) cho biết, đang tồn tại nhiều thách thức khiến mô hình gia đình truyền thống bị biến đổi, nhất là ở châu Á.

Theo các nhà nghiên cứu của SERFAC, vấn đề nuôi dưỡng con cái, tình yêu thương và chăm sóc trong gia đình đang thay đổi rõ rệt. Điều này đã làm cho đạo đức, tinh thần, kết cấu gia đình và xã hội suy yếu dẫn đến ly hôn, đổ vỡ các mối quan hệ gia đình, cảm giác vô nghĩa và chán nản, thậm chí dẫn tới các bệnh về tâm thần hay hành động phạm pháp, nghiện ngập và tự sát.

Nhiều chuyên gia cho rằng châu Á đặc biệt ảnh hưởng bởi các phương tiện truyền thông đại chúng, internet và quảng cáo trên truyền hình, dẫn trẻ em tới lối sống đam mê vật chất vượt quá khả năng của cha mẹ. Chính điều này đã tạo áp lực lên mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Một khi không được thỏa mãn, con trẻ sẽ tự tìm cách giải quyết nhu cầu của mình dẫn đến các tệ nạn như mại dâm trẻ em, AIDS, nổi loạn…

Chủ tịch kiêm Giám đốc SERFAC, bà Catherine Bernard quan sát các truyền thống gia đình từ những năm 1960 đã rút ra cụm từ “gia đình mạng” thời nay. Kiểu gia đình này phá hủy các nét đặc trưng của người dân châu Á trong vấn đề tôn trọng người lớn tuổi, hành vi ăn uống, các giá trị về tín ngưỡng và truyền thống.

Không thể phủ nhận toàn cầu hóa đã đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của thế giới. Tuy nhiên, quá trình này đôi khi cũng đã góp phần bào mòn nhiều khía cạnh truyền thống trong xã hội. Để chống lại việc hủy hoại giá trị của gia đình dưới tác động của toàn cầu hóa và công nghệ, theo bà Bernard, yêu thương nhưng cũng phải nghiêm khắc với con trẻ. Cha mẹ cần quan tâm, làm gương và dạy dỗ con cái về đạo đức, nhấn mạnh đến các giới hạn của chúng cũng như các giá trị về nhân cách, đạo lý…

Khánh Minh

Tin cùng chuyên mục