Sự kiện Ukraine bất ngờ từ chối cơ hội lịch sử liên minh với phương Tây khi đình chỉ việc ký kết thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU) và tuyên bố sẽ làm sống lại các cuộc đối thoại tích cực với Nga thật sự là “tiếng sét”.
Hãng tin Reuters nhận định động thái mới của Kiev là một thắng lợi về mặt đối ngoại dành cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, chính khách từng tuyên bố sự sụp đổ của Liên Xô là một thảm họa thế kỷ. Chọn con đường bắt tay lại với Chính phủ Nga đồng nghĩa với việc Ukraine phải “bỏ rơi” hiệp định từng được EU cam kết sẽ tăng cường đầu tư ở đất nước 46 triệu người này. Trong hơn 20 năm qua, Kiev thường bị giằng co giữa 2 cực: hoặc kết thân với phương Tây hoặc quay lại với Mátxcơva.
Lôi kéo Ukraine vốn là một chiến lược lớn của EU. Tuy nhiên, các nỗ lực ngoại giao giữa EU và Ukraine gần như bị đổ ra sông ra biển từ vụ các quan chức EU gây sức ép buộc Tổng thống Yanukovich trả tự do cho nhà lãnh đạo đối lập Yulia Tymoshenko - người mà EU coi là một tù nhân chính trị. Sau này việc đó bị coi là bước sai lầm trong chiến thuật của EU. Tổng thống Viktor Yanukovich từng muốn dùng thỏa thuận với EU để cân bằng quan hệ với Nga. Nhưng trước mắt, Ukraine sẽ phải chấp nhận một cái giá khá đắt cả về chính trị lẫn kinh tế. Ukraine sẽ bầu lại tổng thống vào năm 2015 nên ông Yanukovich không muốn phạm phải sai lầm. Còn về kinh tế, Ukraine vừa bị hạ điểm tín nhiệm do gặp khó khăn trước những biện pháp trừng phạt của Nga. Bên cạnh đó, Ukraine thừa hiểu EU muốn dùng nước này làm sân sau để Đông tiến nhằm chặn sự ảnh hưởng của Nga. Ông Viktor Yanukovich cũng từng e ngại về việc đánh mất mối quan hệ thương mại với Nga.
Và việc gì phải đến đã đến! Lý do đình chỉ tiến trình ký kết thỏa thuận với EU mà chính phủ của ông Yanukovich công bố là vì lợi ích của an ninh quốc gia. Chính phủ Ukraine nhắc lại nhiệm vụ cơ bản đối với nước này bây giờ là khôi phục mối quan hệ bình thường với Nga và dàn xếp mọi tranh cãi. Lời giải thích rất đơn giản: giảm bớt giao thương với Nga và các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) kéo theo những mối đe dọa có thật đối với nền kinh tế Ukraine.
Trước Ukraine, nước đầu tiên quay lại với Nga là Armenia. Tháng 9-2013, Armenia khiến các nhà lãnh đạo châu Âu chưng hửng khi đột ngột gia nhập Liên minh Hải quan Âu - Á do Máxtcơva đứng đầu. Quốc gia được dự báo sẽ tiếp bước Ukraine và Armenia sẽ là Gruzia. Tân Thủ tướng Irakli Gharibashvili tuyên bố điều chỉnh mối quan hệ với Nga là một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chính phủ mới ở Gruzia. Theo ông Irakli Gharibashvili, nội các của ông sẽ cố gắng giải quyết từng bước những vấn đề tồn tại trong quan hệ với Nga. Hình thức đối thoại trực tiếp Nga - Gruzia sẽ vẫn được duy trì bởi nó tạo điều kiện phát triển mối quan hệ kinh tế-thương mại, giao thông và nhân văn giữa 2 nước, cũng như cho phép giải quyết từng bước những vấn đề hiện nay trong quan hệ song phương, trên cơ sở tính đến lợi ích của Gruzia.
Những gì diễn ra tại Ukraine, Armenia, Gruzia cho thấy với tiềm năng sức mạnh cả về chính trị, quân sự và kinh tế cùng các chính sách linh hoạt, Nga đang từng bước thành công “hút” những nước từng quay lưng với mình từ hơn 2 thập niên trước. Hướng gió đổi chiều từ Tây sang Đông sẽ tạo thêm đà cho Nga trên bước đường tập hợp lực lượng thời hậu Xô Viết. Lúc này, châu Âu thật sự phải xem xét lại kế hoạch Đông tiến của mình.
THANH HẰNG