Gió mùa Đông Bắc

Gió mùa Đông Bắc

Chưa hết gió mùa Tây Nam làm cho Nam bộ mưa kéo dài. Ngập lụt tràn lan ở những thành phố lớn. Hà Nội đón cơn gió mùa Đông Bắc đầu tiên của năm con khỉ. Gió mùa Đông Bắc còn thổi cho đến tận tháng ba năm con gà. Có khi còn hơn thế. Gọi là rét Nàng Bân.

Không giống như gió mùa Tây Nam mang hơi ẩm và mưa cho cả mùa mưa Nam bộ. Gió mùa Đông Bắc ở Bắc bộ khô và lạnh chỉ có từng đợt kéo dài vài ba ngày. Nếu tiếp tục có đợt mới người ta sẽ gọi là gió mùa Đông Bắc bổ sung. Đại khái những khối không khí lạnh xuất phát từ Xibia nước Nga băng qua lãnh thổ Trung Quốc xuống vịnh Bắc bộ thổi vào. Miền Bắc Việt Nam nằm ở cuối những cơn gió ấy cũng như Nam bộ nằm ở cuối những ngọn gió mùa Tây Nam. Thành ngữ Đầu sóng ngọn gió hóa ra không có nghĩa đen ở Việt Nam. Nó bóng gió nói về vị trí người Việt phải đương đầu với mọi khó khăn gian khổ.

Những năm mới giải phóng Sài Gòn, người Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh dự lễ Noel ở chỗ cửa Nhà thờ Đức Bà được chứng kiến những trang phục vô cùng lạ mắt. Thời tiết chỉ từ 180 đến 200C nhưng tràn ngập trên đường là những chiếc áo măng tô vải len dày dặn sặc sỡ sắc màu của phụ nữ. Đàn ông mũ phớt áo măng tô kaki đậm màu. Người Hà Nội lúc ấy vào chơi vẫn diện sơ mi ngắn tay và lấy làm hạnh phúc bởi tránh được cái rét cắt da cắt thịt ngoài Bắc.

Hà Nội có hai thời điểm trong năm thường có những đợt gió mùa Đông Bắc rất mạnh. Đó là dịp lễ Hiến chương các nhà giáo 20-11 và lễ Noel 25-12 hàng năm. Tất nhiên cũng chỉ là quan sát vài chục năm thấy như vậy chứ những dịp này âm lịch ở vào tiết khí Đông chí. Không phải là thời điểm lạnh nhất trong năm so với Tiểu hàn và Đại hàn.

Người Hà Nội ngạc nhiên không chỉ với nhiệt độ Noel ấm áp của Sài Gòn mà còn ngạc nhiên bởi những áo quần xứ lạnh vô cùng phong phú ở miền đất nóng. Những năm chiến tranh kéo dài sang hết thời bao cấp thập kỷ ’80 áo quần Hà Nội thủi thui xám ngắt một màu. Một chiếc áo sợi dệt kim đông xuân màu xanh công nhân bên trong. Áo bông màu xanh sĩ lâm mặc ngoài chỉ hai vụ là bạc phếch. Những đợt rét kéo dài vẫn phải mang vỏ áo bông đi giặt. Ngoài đường đầy những đàn ông mặc chiếc ruột áo bông lộn trái mặt vải cỏ úa ra ngoài. Gần như không ai có đến hai chiếc áo bông cùng lúc để thay đổi. Đàn bà hiếm người có được chiếc áo khoác. Phải mặc sơ mi bên ngoài những áo len tự đan và áo sợi dệt. Chỉ có ba màu chính: Cỏ úa, lông chuột, đen.

Hà Nội không phải vùng rét nhất miền Bắc. Và cũng chỉ có dân phố Hàng Khay phải chịu đựng trực tiếp những cơn gió mùa vượt qua lòng hồ Hoàn Kiếm thổi chính diện mặt phố bên số lẻ. Có hai con phố là Đinh Tiên Hoàng và Hàng Khay chỉ có một bên phố số lẻ. Bên kia là Bờ Hồ. Trẻ con quanh vùng đi học thấy đứa nào ở trường hay sụt sịt mũi dãi thường trêu là nhà ở Hàng Khay.

Cái rét ở vùng rừng núi phía Bắc mới thật sự là rét. Dù cho ở cuối những cơn gió mùa Đông Bắc nhưng vùng Hoàng Liên Sơn, Sa Pa hầu như năm nào cũng có tuyết. Nhẹ nhất cũng là sương muối cháy khô lá rừng. Bộ đội đóng quân trong khe núi dưới mạn xuôi Đình Cả, Bắc Sơn thỉnh thoảng sáng dậy thấy chậu nước múc tối hôm trước để ngoài hiên doanh trại đã đóng một lớp váng băng mỏng lạo rạo gan bàn tay đỏ tía. Vài anh lính kỹ thuật giải thích đó là chiếc máy lạnh thiên nhiên. Gió lạnh thổi qua khe núi đã lấy đi hết nhiệt của nước. Thế nhưng vị trí đóng quân là tính toán chiến thuật của chỉ huy. Không thể di chuyển được. Trang phục lính trơn chỉ có áo sợi và sơ mi mặc ngoài. Nhiều hôm rét quá phải nổi lửa ngồi sưởi trong doanh trại đến tầm mười giờ sáng tan giá mới xách dao lên rừng.

Những tưởng cái rét làm cho người Hà Nội sợ hãi mà không phải thế. Nhiều khi người ta còn mong một trận gió mùa Đông Bắc. Đó là vào cữ giêng hai mưa phùn ẩm ướt. Phơi quần áo mấy ngày không khô. Tường nhà lên mốc và các cụ già thiếu không khí để thở lục sục dậy từ nửa đêm. Độ ẩm lúc này lên đến 100%. Thuận tiện cho việc thở bằng mang mà không phải là bằng phổi. Nhưng chỉ cần một trận gió mùa thôi, tất cả lại hanh hao khô ráo reo vui cùng đám lá khô xào xạc trên đường.

Gió mùa Đông Bắc làm cho người Hà Nội vào Nam sinh sống bồi hồi nhớ về mảnh đất quê nhà. Nỗi nhớ khắc khoải hóa thân thành thơ ca “Dường như ai đi ngang cửa/ Gió mùa Đông Bắc se lòng… Thôi đành ru lòng mình vậy/ Vờ như mùa đông đã về” (Nỗi nhớ mùa đông - Thảo Phương).

11-2016

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục