(SGGP).- Ngày 2-4, tại đình Hào Nam, Hà Nội, rất đông các nghệ sĩ và người yêu xẩm đã tham dự lễ dâng hương giỗ tổ của nghề. Giỗ tổ nghề xẩm là một hoạt động thường niên vào mùa xuân được Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc - Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức bao gồm hai phần: lễ và biểu diễn mô phỏng theo lễ giỗ tổ nghề hát xẩm xưa.
Hát xẩm không chỉ đơn thuần là một loại hình ca hát dân gian mà người hát xẩm đã coi đây là một nghề sinh nhai. Trong suốt chiều dài hàng trăm năm tồn tại cho tới trước những năm nửa cuối thế kỷ XX khi xẩm thất truyền, người hát xẩm thường lấy hai ngày 22-2 hoặc 22-8 Âm lịch làm ngày giỗ tổ nghề. Theo nghệ sĩ Thao Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc, nghề hát xẩm đã đi vào đời sống. Hầu hết các bài xẩm là truyền miệng (không rõ tên tác giả) nhưng có một số điệu xẩm đặc trưng là: xẩm chợ, xẩm nhà thơ, xẩm thập ân…
Năm nay, ngày giỗ tổ nghề xẩm sẽ có thêm phần lễ tưởng niệm nghệ nhân Hà Thị Cầu với phần giới thiệu tiểu sử và những đóng góp của bà cho nghề hát xẩm. Bên cạnh đó là phần hát bài Thập ân do Đình Cương - học trò của nghệ nhân Hà Thị Cầu thể hiện. Dịp này, NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội kết hợp với Nhà hát Chèo Ninh Bình tổ chức chương trình “Tri ân nghệ nhân Hà Thị Cầu” tại Ninh Bình.
Vĩnh Xuân