Ngày 16-8, sau tuyên bố rút khỏi Hội đồng Kinh tế Mỹ, ông Richard Trumka, Chủ tịch của tổ chức công đoàn lao động lớn nhất nước Mỹ là AFL-CIO, cho biết, hành động này nhằm phản đối việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dung thứ cho “sự cố chấp cuồng tín và khủng bố nội địa” trong vụ bạo động xảy ra ở Charlottesville, Virginia.
Hành động thiếu dứt khoát
Ông Richard Trumka là nhân vật thứ 5 rút khỏi hội đồng này chỉ trong vài ngày qua. Sau đó, bà Thea Lee, một nhà kinh tế và là Phó Chánh văn phòng nghiệp đoàn AFL-CIO, cũng thông báo quyết định rút khỏi hội đồng.
Trước đó, 3 lãnh đạo của các tập đoàn Intel, Merck, Under Armour và ông Scot Paul, lãnh đạo liên minh của các nhà sản xuất Mỹ cũng đưa ra quyết định từ chức khỏi Hội đồng Kinh tế Mỹ - vốn được thành lập nhằm tư vấn giúp cho Tổng thống Donald Trump về các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng trong ngành sản xuất.
Phản ứng của Tổng thống Donald Trump sau vụ bạo động xảy ra ở Charlottesville đã khiến dư luận Mỹ dậy sóng vì cho rằng ông Donald Trump chỉ biết đổ lỗi chung chung cho các bên.
Sau bài phát biểu đầu tiên, Tổng thống Donald Trump đã bị các thành viên của đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ đả kích vì không phản ứng quyết liệt hơn trước những hành động bạo lực ở thị trấn Charlottesville, bang Virginia, hôm 12-8 vừa qua, liên quan đến việc di dời bức tượng của Robert E.Lee, vị tướng chỉ huy lực lượng Liên minh miền Nam, khiến 3 người thiệt mạng và vài chục người bị thương. Liên minh miền Nam là liên minh gồm 7 tiểu bang ở miền Nam Mỹ không muốn xóa bỏ chế độ nô lệ, giải phóng người da màu.
Đáng chú ý là sau vụ bạo động, nhiều người cảm thấy bất bình khi thấy những kẻ cực hữu da trắng đi nghênh ngang thành từng nhóm nhỏ và sẵn sàng đụng độ với bất kỳ ai chống đối lại họ. Những người này tự cho là họ đang làm theo ý nguyện của Tổng thống Donald Trump là muốn cho nước Mỹ vĩ đại với sự lãnh đạo tuyệt đối của người da trắng.
Trước các sức ép chính trị, ông Donald Trump sau đó đã lên án tổ chức phân biệt chủng tộc KKK (Klu Klux Klan), chủ nghĩa phát xít mới, những người mang tư tưởng da trắng là thượng đẳng và các nhóm thù hằn khác. Tuy nhiên, vào ngày 15-8, ông Donald Trump trở lại với quan điểm cũ, rằng những phần tử cực đoan của cả cánh tả và cánh hữu phải chịu trách nhiệm về vụ bạo loạn ở Virginia.
Ông Donald Trump tìm cách xoa dịu dư luận bằng phát ngôn sẽ đem lại cuộc sống an ninh hơn cho nước Mỹ, nhưng những hành động này chưa thể xoa dịu dư luận. Những người chỉ trích cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump không dứt khoát lên án các tổ chức cực hữu, bởi thành viên những nhóm này góp phần đáng kể trong lực lượng ủng hộ ông lâu nay.
Lên kế hoạch di dời tượng đài
Theo Reuters, trong hành động nhằm đáp trả lại thái độ không rõ ràng từ phía người đứng đầu nước Mỹ, Thị trưởng thành phố Baltimore (bang Maryland) và thành phố Lexington (bang Kentucky) tuyên bố sẽ tiến hành kế hoạch di dời những tượng đài của Liên minh miền Nam.
Các giới chức tại Memphis (bang Tennessee) và Jacksonville (bang Florida) cũng đã đưa ra những tuyên bố tương tự. Những người chống lại các tượng đài của Liên minh miền Nam xem những tượng đài này là một sỉ nhục đối với người Mỹ gốc châu Phi và lý tưởng về đa dạng chủng tộc và bình đẳng. Những người ủng hộ thì cho rằng chúng tượng trưng một phần lịch sử quan trọng, vinh danh những người đã chiến đấu và chết cho các tiểu bang nổi loạn miền Nam thời nội chiến.
Theo Trung tâm nghiên cứu luật Southern Poverty, đã có ít nhất 60 biểu tượng của Liên minh miền Nam bị di dời hay được đặt tên lại trên toàn nước Mỹ, sau vụ thảm sát 9 người da màu đi lễ nhà thờ ở Charleston, bang Nam Carolina, năm 2015, mà thủ phạm là Dylann Roof, một người có tư tưởng da trắng thượng đẳng.