Giới trẻ hành động vì khí hậu

Trận cháy rừng bùng phát vào tháng 8-2019 và kéo dài đến tháng 3-2020 ở Nam bán cầu được đánh giá là tàn khốc nhất trong lịch sử Australia. Khi năm 2019 trở thành năm nóng nhất và khô hạn nhất trong lịch sử nước này thì Daisy Jeffrey, 17 tuổi, hiểu biến đổi khí hậu không còn ở đâu xa.
Daisy Jeffrey, một trong những người tổ chức phong trào School Strike 4 Climate
Daisy Jeffrey, một trong những người tổ chức phong trào School Strike 4 Climate

Trận cháy rừng được gọi là “mùa hè đen” đó ở Australia đã thiêu rụi 46 triệu mẫu Anh, hơn 3.500 ngôi nhà. 34 người chết và khoảng 3 tỷ động vật bị giết hoặc di cư. Các báo cáo cập nhật liên tục về đợt hạn hán kéo dài 3 năm qua ngày càng nghiêm trọng đã chứng minh hành động của Daisy Jeffrey, cô gái trẻ ở Sydney, là một trong những hồi chuông cảnh tỉnh sớm và đúng đắn.

Jeffrey tham gia phong trào School Strike 4 Climate vào năm 2018, năm mà nhà hoạt động môi trường “nhí” Greta Thunberg cũng bắt đầu ở Thụy Điển. Cô đã giúp tổ chức một cuộc tuần hành thu hút hơn 80.000 người tham gia ở Sydney và hơn 300.000 người trên khắp Australia.

Cô tham dự Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc tại Madrid vào tháng 12-2019 (COP25) và năm 2020, cô xuất bản On Hope, một cuốn sách về hoạt động vì khí hậu. Cô nói: “Giống như nhiều người trẻ khác, tôi thực sự lo sợ cho tương lai… Tôi thấy không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tham gia đấu tranh, hành động vì khí hậu”.

Tuy nhiên, trong khi giới trẻ Australia có một phong trào chống biến đổi khí hậu sôi nổi, thì chính phủ vẫn do dự. Tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc mới đây ở Glasgow (Scotland), Australia đã không tham gia một số sáng kiến trong việc duy trì nhiệt độ trái đất tăng trung bình dưới 1,50C. Chính phủ Australia từ chối tham gia cùng 39 quốc gia bao gồm Mỹ, Anh và Canada cam kết loại than đá và từ chối tham gia cùng với hơn 100 quốc gia hứa giảm phát thải khí metal.

Họ không muốn quay lại bàn đàm phán vào năm 2022 với những cam kết hành động vì khí hậu mạnh mẽ hơn. Theo chỉ số hiệu quả về biến đổi khí hậu được công bố gần đây, kết quả xếp hạng các chính sách khí hậu ở 60 quốc gia và Liên minh châu Âu cho thấy Australia bị xếp ở vị trí cuối cùng.

Sự tàn phá của các đám cháy rừng khổng lồ, dai dẳng và việc Chính phủ Australia từ chối giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu là chủ đề của bộ phim tài liệu Burning vừa được công chiếu trên Prime Vide. Trong bộ phim này, đạo diễn Eva Orner đã tập trung vào những trải nghiệm quen thuộc đáng buồn của đất nước, trong khi các nhà hoạt động chỉ ra những sự thật về tương lai, thì các chính trị gia vẫn đủng đỉnh.

Phim là những cảnh khủng khiếp về một địa ngục màu đỏ cam, những ngày trông giống như màn đêm do khói đen cản Mặt trời, những con gấu túi, chuột túi bị cháy, và các cuộc phỏng vấn nghiêm túc với những người sống sót.

Theo khảo sát về Khí hậu quốc gia năm 2021 của Viện Khí hậu quốc gia Australia, 82% người Australia “lo ngại biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến nhiều cháy rừng hơn, nhiều hạn hán và lũ lụt hơn, các loài động thực vật tuyệt chủng”, và tỷ lệ này cũng tương tự với việc ủng hộ loại bỏ than - các trạm phát điện.

Trong một cuộc thăm dò do Viện Lowy công bố vào tháng 5 vừa qua, 74% người Australia tin rằng “lợi ích của việc thực hiện thêm hành động đối với biến đổi khí hậu sẽ lớn hơn chi phí bỏ ra sau này”.

Tin cùng chuyên mục