
Ngày Quốc tế Lao động năm nay diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều bất ổn. Trong đó, những bất ổn do động lực thương mại toàn cầu đang trở thành một trong những thách thức trên thị trường lao động của nhiều quốc gia. Cảnh báo về tình trạng thiếu hụt việc làm đe dọa sự thịnh vượng toàn cầu, tình trạng thất nghiệp của thanh niên và chênh lệch giới tính ngày càng gia tăng, Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Gilbert F. Houngbo kêu gọi một chiến lược liên kết thống nhất nhằm tạo việc làm, tăng quyền lao động và tăng trưởng kinh tế để xây dựng một nền kinh tế toàn cầu công bằng và kiên cường hơn.
Trong tuyên bố gửi đến Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Hội nghị mùa xuân của Ngân hàng Thế giới (WB), ông Houngbo nhấn mạnh tính cấp thiết của việc xem xét lại các ưu tiên chính sách kinh tế và việc cần thiết xây dựng các chính sách kinh tế vĩ mô, coi công việc tử tế là mục tiêu trung tâm. Theo ông Houngbo, những thay đổi trong chính sách thương mại có thể dẫn đến những tác động phức tạp và không đồng đều giữa các lĩnh vực kinh tế, trình độ kỹ năng và khu vực. Nghiên cứu của ILO cho thấy, khi các mô hình thương mại thay đổi, việc phân bổ lại nguồn lực sẽ tác động đến toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu. Cũng theo ông Houngbo, thế giới vẫn chưa cung cấp chế độ bảo vệ xã hội dành cho người lao động trong nền kinh tế phi chính thức.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh những dự báo mới cho thấy quá trình chuyển đổi cơ cấu sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường lao động giai đoạn 2025-2030. Theo “Báo cáo tương lai việc làm 2025” của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), dự kiến khoảng 8% tổng số việc làm hiện tại, tương đương 92 triệu vị trí việc làm sẽ biến mất, nhưng cũng có các vị trí mới được tạo ra. Đặc biệt, thị trường lao động toàn cầu đang đối mặt với biến động lớn do sự phát triển nhanh chóng của AI (trí tuệ nhân tạo) và những diễn biến khó lường từ những “cơn gió ngược” của kinh tế thế giới.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, vào năm 2030, hơn 40% lực lượng lao động toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ AI. Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) dự báo thị trường AI toàn cầu sẽ đạt quy mô khổng lồ 4.800 tỷ USD vào năm 2033, tương đương với quy mô nền kinh tế hiện tại của Đức. Mặc dù thừa nhận AI mang lại những thay đổi mang tính cách mạng cho nền kinh tế, nhưng UNCTAD đã chỉ ra nguy cơ tiềm ẩn về việc gia tăng bất bình đẳng.
Trước thềm kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1-5, nhân Ngày Thế giới Vì sự an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc (28-4), Liên hợp quốc đã phát động chiến dịch “Cách mạng hóa an toàn và sức khỏe: Vai trò của AI và số hóa tại nơi làm việc”, kêu gọi cộng đồng toàn cầu chú ý đến an toàn lao động trong quá trình tự động hóa công việc, sử dụng công cụ và hệ thống giám sát thông minh cũng như quản lý lao động bằng thuật toán.