Giọt yêu thương!

“Có đi mới thấu, có làm mới hiểu!”. Đó là lời tâm sự của cô Nguyễn Thị Thọ, nhà ở phường 1, quận 3, TPHCM. Thật vậy, hạnh phúc lớn nhất của chúng tôi tại Phòng Tiếp nhận từ thiện Báo SGGP là hàng ngày được tiếp xúc với bạn đọc thuộc mọi thành phần, mọi lứa tuổi, nghề nghiệp… nhưng đều có chung một tấm lòng: Cảm thương và cùng san sẻ.
Giọt yêu thương!

“Có đi mới thấu, có làm mới hiểu!”. Đó là lời tâm sự của cô Nguyễn Thị Thọ, nhà ở phường 1, quận 3, TPHCM. Thật vậy, hạnh phúc lớn nhất của chúng tôi tại Phòng Tiếp nhận từ thiện Báo SGGP là hàng ngày được tiếp xúc với bạn đọc thuộc mọi thành phần, mọi lứa tuổi, nghề nghiệp… nhưng đều có chung một tấm lòng: Cảm thương và cùng san sẻ.

Từ bác xe ôm, đến cô bán vé số, hay cụ già, em nhỏ… tất cả đều để lại những khoảnh khắc đẹp mãi theo thời gian. Họ chính là “vị cứu tinh của người nghèo” trong giây phút khốn cùng, bằng sự sẻ chia hạnh phúc cho những nỗi bất hạnh.

Tiễn chân một phụ nữ luống tuổi vừa đóng góp 1 triệu đồng vào Quỹ Xã hội - Từ thiện Báo SGGP ra cổng, tần ngần một hồi, chị móc trong túi ra những xấp vé số ngay ngắn, rồi rảo bước tiếp tục hành trình kiếm sống. Hình ảnh chị bước thấp, bước cao, khuất dần trong làn xe dày đặc, đôi mắt tôi cay cay khi nhìn bóng chị như xô đẩy trong dòng người lúc chiều tan tầm…

Thành viên nhỏ tuổi nhất đóng góp quỹ từ thiện tại Báo SGGP năm 2013 là bé Lê Mỹ Quân, 10 tuổi, học lớp 5 Trường Tiểu học Trần Bình Trọng, phường 2, quận 5, TPHCM.

Thành viên nhỏ tuổi nhất đóng góp quỹ từ thiện tại Báo SGGP năm 2013 là bé Lê Mỹ Quân, 10 tuổi, học lớp 5 Trường Tiểu học Trần Bình Trọng, phường 2, quận 5, TPHCM.

Năm 2013 là năm các công ty, ngân hàng, các cơ quan xí nghiệp vẫn phải nỗ lực vượt qua bao khó khăn do suy thoái kinh tế, nhưng những trang vàng ủng hộ từ thiện giúp đỡ người nghèo từ các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và các bạn đọc có tấm lòng thương người, chia sẻ trước những khó khăn và bất hạnh của cuộc sống vẫn nối dài. Còn nhớ, một buổi chiều tháng 8-2013, một phụ nữ trung niên bước vào Phòng Tiếp nhận từ thiện giúp 50 triệu đồng cho các bé bị bệnh, đã làm chúng tôi khá bất ngờ. Chị đến với thái độ từ tốn khiêm nhường rồi nhẹ lòng, thanh thản ra về… Tờ biên lai thu tiền của chị giúp các em bị bệnh hôm ấy chỉ kịp ghi hàng chữ: “Chị Ngọc, Tân Phú, giúp 50 triệu đồng”.

Trân trọng sự đóng góp đầy hiệu quả và kịp thời của bạn đọc và các mạnh thường quân trong năm 2013 vừa qua đã chung tay sẻ chia bao nỗi bất hạnh về những mảnh đời được đăng trên trang mục “Nhịp cầu nhân ái” của Báo SGGP, các ngày thứ hai và thứ năm định kỳ, Ban Chương trình - Xã hội đã tiếp nhận và chuyển giao ngay số tiền, hiện vật và cả sự động viên của các nhà hảo tâm đến với các hoàn cảnh cần giúp đỡ. Tình cảm ấy, khiến chúng tôi nhiều lần “được” khóc cùng họ về một hoàn cảnh nào đó vừa mới đọc qua. Trường hợp em Nhơn, quê ở Quảng Nam, bị phỏng toàn thân, mồ côi cha mẹ, nhiều người hay tin đã không cầm nổi nước mắt. Chứng kiến hình ảnh các chị em tiểu thương chợ Nguyễn Thái Bình, quận 1, TPHCM, góp tiền từ các sạp, những tờ biên lai thu tiền dường như cũng thấm đẫm những giọt nước mắt đồng cảm. Họ đều có chung một tấm lòng, tấm lòng yêu thương những mảnh đời khốn khó.

Cuộc đời này thật đáng sống, đáng trân trọng khi nói về những con người thật, việc làm thật. Ý nghĩa từ việc làm ấy chính là sự kết tinh của tình người, dẫu thời gian cứ trôi, trôi mãi, nhưng những giọt yêu thương sẽ kết nên mạch sống, khơi dậy tình yêu con người.

KIM DUNG

Tin cùng chuyên mục