Ngoài việc chia sẻ các bài viết, hình ảnh hay bình luận thể hiện ý kiến trong những sự kiện thời sự đang được quan tâm, một trào lưu khác được nhiều bạn trẻ hưởng ứng là “add frame”. Với mỗi tài khoản mạng xã hội sẽ có một hình ảnh đại diện riêng cho từng người dùng, việc “add frame” (thêm khung vào hình đại diện) thường sẽ thêm một dòng chữ nổi bật lên hình đại diện, thể hiện sự ủng hộ hay phản đối một vấn đề nào đó đang diễn ra.
Hàng loạt sự kiện nóng trên thế giới diễn ra, không ít người trẻ và trong số đó có cả những người nổi tiếng, liên tục thay đổi các khung trên ảnh đại diện để thể hiện ý kiến. Nhưng họ có thật sự hiểu rõ được nguồn cơn của vấn đề đang diễn ra, từ những nguồn thông tin chính thống, hay chỉ là chạy theo đám đông? Điều hoài nghi này không phải là vô căn cứ, bởi trên nền tảng của mạng xã hội, người nổi tiếng được tính bằng nhiều lượt thích, theo dõi, bình luận… Và trong đám đông đó, người ta dễ dàng quên mất thông tin trên mạng xã hội được viết hoặc tổng hợp lại từ những người dùng mạng xã hội, chỉ là góc nhìn cá nhân, hoàn toàn không phải phát ngôn hay thông báo chính thức từ một cơ quan hay tổ chức nào cụ thể.
Và cũng bởi vậy, những sự kiện đang nổi bật ngoài cuộc sống, cũng dễ dàng trở thành tâm điểm tranh luận của nhiều bạn trẻ. Đám cưới của 2 nữ ca sĩ nổi tiếng vừa qua cũng nhận không ít gạch đá từ cư dân mạng. Một nữ ca sĩ liên tục được truyền thông cập nhật từng thông tin chi tiết, hình ảnh trong đám cưới, nhiều bạn trẻ hâm mộ viết những lời chúc mừng cho cặp đôi, thì cũng không ít bình luận như: “làm màu”, “để coi được bao lâu”, “cưới chạy bầu”… Và một nữ ca sĩ kín tiếng hơn, ít chia sẻ hình ảnh trong đám cưới hơn cũng nhận không ít lời hằn học: “chảnh quá”, “chồng xấu quá”, “chú rể già”… Đến độ nữ ca sĩ này phải đăng đàn giải thích chuyện giữ riêng tư trong đám cưới và ngoại hình của ông xã mình, cùng lời nhắn mong mọi người không nên chia sẻ hình ảnh chú rể cũng như bạn bè của họ lúc nhập tiệc, cụng ly để soi những khoảnh khắc hớ hênh.
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của mạng xã hội hiện nay, bởi nó còn là nơi để trao đổi, học tập, tiếp cận thông tin trong thời đại 4.0 và sử dụng mạng xã hội như thế nào là quyền của cá nhân mỗi người. Tuy nhiên, người trẻ khi tham gia vào đây cần phải tỉnh táo trước những luồng thông tin đa chiều. Đám đông chưa chắc đã đúng và ngược lại đám đông cũng không chắc là sai.
Người trẻ cần tìm hiểu rõ bản chất của từng vấn đề, sự việc, từ những thông tin chính thống chứ không phải theo phong trào; từ đó thành lập cho mình một bộ lọc thông tin để tiếp cận. Khoan bàn đến chuyện giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, mà hãy giữ bản sắc cho chính mình để không bị hòa tan vào đám đông, tập trung vào việc nâng cao khả năng và kỹ năng của bản thân hơn là những câu chuyện cách nửa vòng trái đất mà mình còn chưa hiểu rõ được hết gốc rễ của vấn đề.