Giữ chân người di cư

Ngày 12-11, Hội nghị thượng đỉnh giữa Liên minh châu Âu (EU) và châu Phi nhằm tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề khủng hoảng di cư đã khai mạc tại Valletta (Malta).

Ngày 12-11, Hội nghị thượng đỉnh giữa Liên minh châu Âu (EU) và châu Phi nhằm tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề khủng hoảng di cư đã khai mạc tại Valletta (Malta).

Hội nghị với sự tham dự của gần 50 quốc gia thuộc hai châu lục, một kế hoạch hành động chung cho những năm sắp tới về vấn đề người di cư giữa EU - châu Phi sẽ được thông qua. Kế hoạch được vạch ra với hàng chục sáng kiến nhằm tạo nên một quan hệ đối tác để hỗ trợ các nước châu Phi, cũng như đảm bảo việc hạn chế dòng người di cư mà trọng tâm sẽ là chính sách trao trả người di cư về quê hương.

Theo nội dung kế hoạch, EU sẽ cung cấp cho các quốc gia châu Phi một loạt nguồn viện trợ, cũng như nhiều chính sách ưu đãi để châu Phi nhận trở lại những người di cư trái phép này. Đổi lại, EU sẽ hỗ trợ tới 3,6 tỷ EUR để giải quyết hậu quả của chiến tranh và đói nghèo (hai nguyên nhân chủ yếu gây ra cuộc khủng hoảng di cư hiện nay). Tuy nhiên, EU vẫn mở cửa cho những người thực sự cần được bảo vệ quốc tế và sẽ hỗ trợ cho các quốc gia châu Phi thủ tục visa dễ dàng hơn đối với những người châu Phi muốn đến châu Âu du lịch hoặc tìm kiếm việc làm. Ngoài ra, số lượng sinh viên và giảng viên đại học châu Phi có cơ hội tham gia vào các chương trình trao đổi giáo dục của EU sẽ tăng gấp đôi so với năm 2014. Bên cạnh đó, trước việc người lao động châu Phi tại châu Âu phải trả quá nhiều chi phí để gửi tiền về quê hương, chi phí chuyển tiền gần bằng 10% số tiền gửi hoặc nhiều hơn. Kế hoạch cam kết hối thúc các chính phủ phải cắt giảm chi phí xuống dưới 3% vào năm 2030 và khuyến khích giảm đáng kể chi phí chuyển tiền trong thời hạn 5 năm.

Hội nghị diễn ra khẩn cấp trong bối cảnh Cơ quan giám sát biên giới Liên minh châu Âu - EU (Frontex) thông báo số người di cư trái phép vào EU trong 10 tháng đầu năm 2015 đã lên đến 1,2 triệu người, gấp 4 lần so với năm ngoái. Đây là một con số kỷ lục trong lịch sử EU.

Cùng với những nỗ lực tại hội nghị, trong lúc này, tại một số nước châu Phi, nhiều công ty nước ngoài cũng đang phát động chiến dịch giữ chân người lao động có tay nghề cao ở lại. Với thông điệp “những người châu Phi có kỹ năng, châu lục đang cần các bạn”, Homecoming Revolution - một công ty tuyển dụng của nước ngoài đang nỗ lực đảo ngược dòng chảy chất xám ở các nền kinh tế châu Phi bằng cách lôi kéo các chuyên gia tài năng của châu Phi đang sinh sống ở nước ngoài bằng mức lương cao và công việc ổn định. Công ty này cho biết đã có 359.000 người Nam Phi trở về nhà trong 5 năm qua. Đối với mỗi người có kỹ năng trở về quê nhà, thì có đến 9 việc làm mới chính thức lẫn không chính thức chờ đón họ. Theo Angel Jones, người sáng lập công ty, “đây thực sự là thời điểm mà làn sóng người châu Phi sẽ quay trở về lục địa này”. Nếu như trước đây chỉ nhắm đến người Nam Phi, thì nay Homecoming Revolution đã mở rộng hoạt động sang Nigeria, Ghana, Uganda và Kenya...

Theo cựu Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki, châu Phi đã mất khoảng 20.000 chuyên gia mỗi năm, kể từ năm 1990. Đây là một con số đáng sợ. Tuy nhiên, Thebe Ikalafeng, ủy viên quản trị Công ty Brand South Africa, chuyên thúc đẩy thương hiệu châu Phi để tiến tới một châu Phi hòa bình và thịnh vượng thì tin tưởng rằng: “ Châu Âu có quá khứ, nhưng chúng tôi có tương lai”.

Hạnh Chi

Tin cùng chuyên mục