
Hiện tượng “nhảy cóc” chỗ làm của một bộ phận lao động từ cao cấp đến phổ thông đang khiến nhiều doanh nghiệp (DN) đau đầu. Xin giới thiệu một số kinh nghiệm sau đây để DN tham khảo.
Ra trường mới 2 năm nhưng Hoàng đã có “thành tích” nhảy việc qua 4 công ty. Hoàng tâm sự :”Thật sự ra em cũng muốn có việc làm ổn định nhưng khốn nỗi ở những nơi đã đến làm việc đều có chuyện này chuyện kia khiến em bực mình…”. Riêng đối với T, việc dứt áo ra đi sau hơn 3 tháng làm việc ở Công ty ML bắt nguồn từ nguyên nhân khi phỏng vấn giám đốc hứa đủ điều, nhưng sau đó nuốt lời hứa và trả lương thấp…Hầu hết các nhân viên thường xuyên nhảy việc đều đưa ra lý do chủ quan xuất phát từ môi trường, điều kiện làm việc không phù hợp, công việc không được như ý… chứ không phải nguyên nhân “đứng núi này trông núi nọ”.

Tuyển chọn kỹ lao động trước khi tiếp nhận.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng biến động nhân sự hiện nay, ông Cao Minh Nhựt chuyên viên nhân sự chương trình truyền hình “Việc làm”, cho rằng lỗi thuộc về hai phía - người tìm việc và người sử dụng lao động. Về phía người sử dụng lao động, muốn giữ chân người lao động nên tham khảo một số kinh nghiệm sau:
- Chú trọng khâu tuyển dụng, đào tạo và phát triển đội ngũ lao động. Nhiều nhân viên sau vài tháng làm việc đã xin nghỉ việc vì nhận thấy mình không thể phát triển được trong DN. Hãy chú trọng tạo điều kiện cho nhân viên phát triển kỹ năng được đào tạo. Hàng năm các DN Singapore tổ chức đào tạo ít nhất 30 giờ cho nhân viên, một giờ đào tạo cho nhân viên sẽ mang lại hiệu quả bằng 3 giờ làm việc.
- Tạo môi trường làm việc hấp dẫn: Hãy chuẩn bị và tạo dựng một môi trường làm việc thật tốt cho nhân viên mới hội nhập vào DN. Giám đốc hay bộ phận nhân sự (HR) nên quan tâm đến nhân viên mới trong quan hệ phối hợp với các đồng nghiệp và cấp trên; có lịch tiếp xúc định kỳ để tìm hiểu và chia sẻ những trục trặc, bất ổn với nhân viên mới. Không để cảm giác thiếu sự chia sẻ, lẻ loi hay bắt nạt xảy ra ở công ty. Đây là yếu tố chính đưa đến quyết định nghỉ việc trong thời gian mới hội nhập của nhân viên mới.
- Giải quyết mâu thuẫn nội bộ: Một trong những yếu tố làm mất đi động lực, gây tâm lý chán nản và quyết định nghỉ việc của nhân viên là không ngăn chặn, giải quyết sớm những mâu thuẫn nội bộ. Các cấp quản lý của DN nên quan tâm và giải quyết các mâu thuẫn ngay từ khi nó mới phát sinh. Phải hiểu được tâm tư, nguyện vọng cũng như cảm xúc của nhân viên mới để tư vấn kịp thời và tổ chức cuộc gặp giữa các bên hàn gắn lại mối quan hệ do mâu thuẫn gây ra.
- Có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, rõ ràng: DN phải có chính sách chăm lo, đãi ngộ về lương bổng, phụ cấp (nếu có) rõ ràng và công khai, phổ biến rộng rãi đến từng nhân viên. Chính sách này phải nhất quán để làm nền tảng quản lý và phát triển đội ngũ nhân lực trong DN. Tuyệt đối không cho “người nhà” can thiệp vào những chính sách chung của công ty dẫn đến mâu thuẫn và tâm lý chán nản vì thiếu công bằng trong đội ngũ nhân viên.
THIÊN THẢO