Giữ chân người tài

Theo GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, công nghệ 4.0 cần tư duy sáng tạo nên rất cần nhà khoa học chất lượng cao, mới có thể thay đổi mô hình nông nghiệp Việt Nam hiện đại.

Để có thể giúp nông dân trở nên khá giả, TPHCM cần tiếp tục đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao như mục tiêu đột phá cho khu vực nông nghiệp năng động nhất của cả nước.

Trong đó, công nghệ sinh học phải được xem như một nội dung then chốt. Không nên vì lý do thiếu hụt nguồn ngân sách mà giảm đi sự đầu tư nguồn nhân lực quan trọng này.

Bản chất của công nghệ sinh học là khoa học cơ bản, phát triển công nghệ di truyền thành công ở mức độ cao và chính xác. Thành phố nên sẵn sàng đầu tư cho khoa học cơ bản ít nhất là 10% - 20% tổng ngân sách cho nghiên cứu và phát triển (R&D). 

Kể lại câu chuyên tại một hội thảo ở Arizona State University (Hoa Kỳ), những sinh viên giỏi thuộc thế hệ 9X của Việt Nam tâm sự rằng khi trở về nước sẽ sẵn sàng chấp nhận tiền lương khiêm tốn, nhưng hãy cho các em một môi trường làm việc khoa học thật sự, GS-TS Bùi Chí Bửu cho biết rất trăn trở và băn khoăn trước thực tế này.

Ông nói: “Tại sao chúng ta chấp nhận sự lãn công, vì lương tháng Nhà nước vẫn phải trả mà nhà khoa học không có việc gì làm, do không có đề tài. Không ít viện nghiên cứu khoa học công nghệ của chúng ta có số người lãn công từ 30% đến 70% vì thiếu đề tài được Nhà nước đầu tư”. 

Hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư cho khoa học công nghệ chỉ khoảng 0,05% - 0,10% so với tổng mức đầu tư chung, trong khi con số này tại Ấn Độ và Hàn Quốc là 5% - 10%, theo số liệu của Cơ quan Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) công bố năm 2018.

Một lý do biện minh thường được nêu ra, tại vì thu nhập thấp. Cán bộ khoa học xin thuyên chuyển đi nơi khác với mức thu nhập cao hơn, nhưng đành chấp nhận rời bỏ kiến thức chuyên môn sâu của mình đã được đầu tư bài bản thời gian trước đó.

Đây thật sự là điều rất đáng tiếc cho không ít viện, trường thời gian qua! Theo GS-TS Bùi Chí Bửu, cần làm đúng cam kết ngân sách cho nghiên cứu khoa học hàng năm phải đạt 2% GDP như các nước trên thế giới.

Tất nhiên việc doanh nghiệp tham gia là điều đáng khuyến khích, nhưng không thể giao phó chức năng nghiên cứu khoa học hoàn toàn cho các doanh nghiệp. Cần tháo gỡ nút thắt chủ yếu là đầu tư ngân sách cho khoa học và giữ chân cho được người tài.

Tin cùng chuyên mục