Giữ gìn hình ảnh người Việt Nam khi ra nước ngoài

Miếng ăn cũng tham

Giữ gìn hình ảnh người Việt Nam khi ra nước ngoài chính là giữ hình ảnh đẹp cho đất nước, cho dân tộc. Tuy nhiên, đã có những người không ý thức được như vậy. Bạn đọc đã phải ái ngại, bức xúc lên tiếng về việc này…

Miếng ăn cũng tham

Không ít người Việt du lịch nước ngoài đã ăn buffet với cách ăn tham rất đáng xấu hổ. Thường thì thực khách ăn buffet đều hiểu chỉ chọn vừa đủ, không lấy thừa mứa đến mức ăn không hết, bỏ lãng phí. Tuy vậy không ít người vẫn cố lấy cho nhiều vào đĩa, ra sức ăn vẫn không hết. Rồi sau đó lại lấy tiếp những món khác, để lại trên đĩa ê hề thức ăn. Nhìn nhân viên nhà hàng thu gom chén đĩa khó chịu, lắc đầu cũng đủ hiểu họ nghĩ gì.


Giới thiệu văn hóa và phong tục Việt Nam với bạn bè quốc tế để hiểu nhau hơn. Trong ảnh: Đón Tết Nguyên đán tại Trung tâm thương mại Sapa ở Praha (Cộng hòa Czech). Ảnh: SecViet

Không phải ngẫu nhiên mà một nhà hàng buffet ở Thái Lan đã ghi biển báo bằng tiếng Việt: “Xin vui lòng ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Nếu ăn không hết sẽ phạt từ 200 baht đến 500 baht. Xin cảm ơn!”. Rồi ở Singapore: “Xin vui lòng không lãng phí thức ăn. Phạt $5 cho mỗi 100g thức ăn dư thừa. Xin cảm ơn”; “Lấy vừa đủ ăn”. Hay ở Lào: “Xin quý khách lưu ý. Quý khách ăn bao nhiêu chúng tôi rất vui lòng. Trường hợp quý khách lấy đồ ăn không hết, buộc chúng tôi phải tính thêm gấp 5 lần/1 suất ăn”.

Những dẫn chứng nêu trên không phải để bôi nhọ, đánh đồng tất cả người Việt, vì có rất nhiều người Việt Nam có văn hóa. Tính xấu chỉ là số ít. Tuy nhiên, chỉ cần vài hành động xấu xí thôi cũng đủ làm cho hình ảnh người Việt chúng ta nhòe đi trong mắt bạn bè quốc tế.

Thiết nghĩ mỗi cá nhân cần có ý thức trong việc ăn uống nơi công cộng. Ăn uống cũng cần phải ứng xử văn hóa. Khi ra nước ngoài cần nhớ không chỉ giữ thể diện cho mình, mà là giữ thể diện cho dân tộc. 

ĐẶNG TRUNG THÀNH
(quận Bình Tân, TPHCM)

Còn những hành vi thiếu văn hóa

Câu chuyện về anh thực tập sinh 28 tuổi Đặng Văn Mong được chính quyền thành phố Yanagawa (tỉnh Fukuoka, Nhật Bản) tặng giấy khen do hành động cứu một người đàn ông rơi xuống kênh trong lúc trời lạnh âm 2°C làm chúng ta xúc động. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, cầu thủ trẻ Lương Xuân Trường (đội Gangwon FC) được chính quyền tỉnh Gangwon chọn làm đại sứ hình ảnh của tỉnh này, do anh được chọn là gương mặt được yêu mến không chỉ ở Việt Nam mà còn với cộng đồng người Việt ở Hàn Quốc.

Hẳn với hai trường hợp này, hình ảnh người Việt Nam ít nhiều đẹp hơn trong mắt bạn bè người Nhật và Hàn Quốc, cũng tức là đất nước Việt Nam cũng được biết đến nhiều hơn, được quý trọng hơn.

Tuy nhiên, những câu chuyện đẹp như thế còn chưa nhiều, thậm chí có phần ít hơn so với những hình ảnh chưa đẹp của một số người Việt khác gây ra ở nước ngoài, như phóng uế, xả rác bừa bãi, uống rượu nơi không được phép, đi lậu vé tàu điện ngầm hoặc xe buýt, ăn cắp đồ trong siêu thị, trốn ở lại nước ngoài khi đi du lịch hoặc khi hết thời hạn xuất khẩu lao động… Vẫn còn những hành vi thiếu văn hóa như ăn mặc thiếu trang nghiêm khi vào các điểm thờ tự, cười nói ồn ào thiếu văn minh...

Để chấn chỉnh việc ứng xử thiếu văn hóa như vậy, việc tuyên truyền nhắc nhở là rất cần thiết. Các công ty du lịch, các công ty xuất khẩu lao động phải chú ý tuyên truyền, giải thích cho khách hàng của mình về một số quy định đặc thù của quốc gia sắp đến, về những nét nổi bật trong pháp luật, những nét chính về văn hóa, tín ngưỡng của người dân sở tại, những điều nên làm và những điều nên tránh…

Nên có hẳn một tờ gấp hoặc sổ tay về những điều này, cùng những thông tin cần thiết khác (chẳng hạn, số điện thoại khi cần gọi khẩn cấp, địa chỉ và số điện thoại của cơ quan đại diện Việt Nam tại khu vực đó…) để khách hàng có thêm lưu ý.

Trên website của các công ty du lịch, nên đăng tải chi tiết những quy tắc ứng xử dành cho khách du lịch khi đến một số quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhất là với những người xuất khẩu lao động, trong quá trình huấn luyện, đào tạo, dạy ngoại ngữ… nên có phần thông tin kỹ về những vấn đề này, cũng như có một số cam kết, chẳng hạn phải chấp hành pháp luật, tuân thủ những quy tắc về văn hóa, tôn giáo nước sở tại, không được tự ý ở lại sau khi hết hợp đồng…

Với cán bộ công chức, người lao động, nhất là đảng viên, khi có hành vi sai trái ở nước ngoài nếu có chứng cứ xác thực, cần xử lý nghiêm khắc bằng nội quy của cơ quan, đơn vị, trong những trường hợp cần thiết thì xử lý theo pháp luật.

TRỊNH MINH GIANG
(quận Thủ Đức, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục