Giữ lại chữ tình trong giới văn chương

Đúng như nhà văn Bùi Anh Tấn nói, thật khó định danh cho Trình Quang Phú là nhà gì, bởi ở ông hội tụ nhiều nhà: nhà văn, nhà báo, nhà khoa học. Ở tuổi 82, ông vừa ra mắt tập sách Nhà văn và chữ tình gởi lại (NXB Hội Nhà văn), khắc họa về một thế hệ văn nhân tên tuổi mà ông từng gặp gỡ, quen biết.

Nhân dịp nhà văn Trình Quang Phú ra mắt tập chân dung Nhà văn và chữ tình gởi lại, ngày 26-8, Hội Nhà văn TPHCM đã tổ chức tọa đàm "Nhà văn - Phẩm chất và tài năng". Ngoài văn nghệ sĩ của thành phố, chương trình còn có sự tham gia của các khách mời đặc biệt, là con cháu của những nhà thơ nhà văn được nhắc đến trong sách. Đó là KTS Nguyễn Trường Lưu (con trai nhà thơ Bảo Định Giang), nhà báo Lưu Trọng Văn (con trai nhà thơ Lưu Trọng Lư), bà Nguyễn Ánh Tuyết (con gái nhà văn Tô Phương), ông Bùi Đình Lâm Thao (cháu ruột nhà thơ Quang Dũng).

GS-TS, nhà văn Trình Quang Phú sinh ra ở Tuy An, Phú Yên. Ông tham gia cách mạng từ sớm, khi chỉ là một cậu bé 12 tuổi. Kinh qua nhiều vị trí công tác khác nhau, GS-TS Trình Quang Phú vì thế có được những trải nghiệm vô cùng quý giá, đặc biệt đối với người cầm bút. Mấy chục năm qua, ông đã xuất bản hàng chục tác phẩm. Một trong những công trình quan trọng chính 7 cuốn sách viết về Bác Hồ, trong đó Từ làng sen đến bến Nhà Rồng đã tái bản tới 20 lần.

Giữ lại chữ tình trong giới văn chương ảnh 1 Từ trái qua: nhà văn Bùi Anh Tấn, nhà văn Trình Quang Phú và nhà văn Bích Ngân tại tọa đàm
Nhà văn và chữ tình gởi lại là cuốn sách mới nhất của nhà văn Trình Quang Phú, tập hợp những hồi ức của ông về thế hệ nhà văn nhà thơ tên tuổi mà ông từng gặp gỡ, quen biết, gần gũi. Họ đều đã đi xa nhưng theo như nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, họ đã để lại cho đời, cho nền văn học Việt Nam không chỉ là tác phẩm với giá trị vượt qua thử thách nghiệt ngã của thời gian mà còn là để lại dấu ấn sâu sắc về tài năng, nhân cách, nỗi ưu tư, những hoài bão thiết tha về dân tộc, về đất nước - những tố chất của những văn nhân đích thực, người lặng lẽ tận hiến cho con chữ, cho cuộc đời bằng cả sinh mệnh của trái tim.
Từng bỏ lỡ cơ hội tham gia một lớp viết văn, nhưng nhà văn Trình Quang Phú cho biết, ông may mắn được tiếp xúc với rất nhiều nhà văn, nhà thơ thuộc hàng bậc lớn, có tên tuổi. “Mỗi người cho tôi một bài học rất hay như anh Nguyễn Tuân, anh Nguyễn Văn Bổng dạy tôi muốn viết văn phải có sổ tay ghi chép cẩn thận. Và anh Nguyễn Tuân nói càng ghi chi tiết bao nhiêu, thì cậu càng viết tốt bấy nhiêu. Tôi nghĩ rằng mỗi anh, mỗi chị đều cho tôi những kinh nghiệm nghề nghiệp”, nhà văn Trình Quang Phú bày tỏ.

Những bài viết của nhà văn Trình Quang Phú trong Nhà văn và chữ tình gởi lại đầy chân thật và giàu nghĩa tình. Qua ngòi bút của ông, bạn đọc dường như đang được chiêm ngưỡng thật gần thật thân thương - chân dung của các văn nhân như Văn Cao, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Tuân, Quang Dũng, Dương Thị Xuân Quý, Sơn Tùng, Vũ Tuyên Hoàng, Trần Hữu Thung, Hồng Duệ...

Đánh giá về cuốn sách mới nhất của nhà văn Trình Quang Phú, PGS-TS, nhà phê bình Trần Hoài Anh, cho rằng, Nhà văn và chữ tình gởi lại là tài liệu văn học quý, bổ sung cho tiến trình viết lịch sử văn học nước nhà, nhất là bộ phận văn học cách mạng và kháng chiến, là những cứ liệu cần thiết giúp khám phá về tác giả, tác phẩm, tìm hiểu nhân cách nhà văn thể hiện qua những tháng năm chiến đấu, hy sinh cũng như trong cuộc sống đời thường, đặc biệt là hoàn cảnh ra đời của từng tác phẩm mà không phải ai cũng có “cơ may” tiếp cận.

Tin cùng chuyên mục