Giữ vườn trái cây đặc sản Lái Thiêu

Vườn cây trái Lái Thiêu (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) là địa danh nổi tiếng của cả vùng Đông Nam bộ hàng trăm năm qua, đã tạo nên thương hiệu du lịch nhà vườn độc đáo của tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Thế nhưng, vài năm qua, hình ảnh từng đoàn người kéo đến tham quan miệt vườn đã dần vắng bóng. 
Giữ vườn trái cây đặc sản Lái Thiêu. Ảnh minh họa
Giữ vườn trái cây đặc sản Lái Thiêu. Ảnh minh họa
Vắng bóng du khách
Vườn cây trái Lái Thiêu chỉ cách trung tâm TPHCM khoảng 20km, đường sá được đổ nhựa hoặc bê tông hóa đến tận các nhà vườn nhưng không một bóng du khách tham quan, dù vào ngày cuối tuần.
Bà Nguyễn Thị Thê (53 tuổi, chủ vườn 99) vừa hướng dẫn chúng tôi tham quan, vừa vội vàng giải thích, có thể do thời tiết nắng nóng nên ít khách.
Theo bà Thê, ở đây chỉ trồng các loại cây đặc sản của Bình Dương như măng cụt, mít, mãng cầu, dâu, chôm chôm, những năm trước mỗi tuần có từ 500 - 1.000 lượt khách đến và có thể bán được vài tạ trái cây ngay tại vườn. Tuy nhiên vài năm qua, khách ít đến hơn nên nhiều nhà vườn gặp khó về kinh phí đầu tư, chăm sóc. Năng suất các loại cây trái không cao, có năm còn bị sâu bệnh nhưng các chủ vườn cũng đành bất lực đứng nhìn.
Các nhà vườn khác như Hồng Vân, Thu Thủy, Bé Hai (cùng ở phường Hưng Định) cũng trong tình trạng vắng bóng du khách. Bà Nguyễn Thu Thủy (nhà vườn Bé Hai) tâm sự, toàn bộ khu vườn có diện tích khoảng 5.000m², với hàng trăm cây trái có tuổi đời khoảng vài chục năm, thậm chí có nhiều hàng dừa trăm tuổi, “trước đây du khách nhiều bao nhiêu thì bây giờ vắng vẻ bấy nhiêu. Tôi phải thuê người hái trái cây từ vườn để bán cho các đại lý hoặc chợ đầu mối, công việc vất vả hơn phục vụ du khách tại chỗ”. 
Đầu tư cho những vườn cây đặc sản
Theo ông Lê Đức Hào, một người sinh sống gần các nhà vườn thì nguyên nhân chủ yếu là nhà vườn ít đầu tư, các sản phẩm phục vụ nghèo nàn, trong khi nhu cầu người dân đi tham quan không chỉ có mua trái cây đặc sản. Không ít đoàn khách từ miền Bắc, miền Trung vào tham quan một vòng quanh vườn, ăn trái cây xong không biết làm gì tiếp theo, muốn nghỉ ngơi, ăn uống thì phải trở ra TPHCM hay TP Thủ Dầu Một rất bất tiện. Đặc biệt, không ít nhà vườn còn nhếch nhác, nhiều rạch nước trong vườn hôi hám khiến du khách không hài lòng.
Để giữ gìn, phát triển vườn cây ăn trái đặc sản, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 63 (về chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản giai đoạn 2017 - 2021) nhằm góp phần gìn giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản trên địa bàn tỉnh theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến, tạo mảng xanh bảo vệ môi trường kết hợp với du lịch sinh thái. Hiện tại, các nhà vườn đang được ngành chức năng tỉnh Bình Dương hỗ trợ kinh phí đầu tư phân bón, nạo vét kênh mương. Mỗi hộ dân được nhận 4 triệu đồng/ha cây ăn trái, đồng thời còn được hỗ trợ kỹ thuật cắt tỉa, chăm sóc vườn cây, chiết và nhân giống các loại cây trồng đặc sản. 
Ông Nguyễn Minh Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Dương cho biết, ngay trong ngày 5-7 tỉnh sẽ thông qua đề án Bảo vệ, phát triển vườn cây ăn trái đặc sản Bình Dương gắn với du lịch sinh thái, qua đó sẽ tạo đà để thu hút nhiều khách du lịch đến với vườn cây đặc sản đã nổi tiếng hàng trăm năm qua. Hy vọng, khi đề án được thông qua sẽ tạo một bộ mặt mới cho các vườn cây đặc sản, trong đó sẽ có nhiều dịch vụ hơn, giúp người dân có điều kiện bảo tồn, phát triển các vườn cây đặc sản.

Tin cùng chuyên mục