Bóng đá thế giới hướng tới năm 2006

Giữa 2 bờ đại dương

HƯNG NGUYÊN (tổng hợp)

Bóng đá Mỹ la-tinh thành công tuyệt đối trong năm 2005 và đang nhắm tới chiếc Cúp thế giới năm 2006. Nhưng lịch sử bảo rằng những kỳ World Cup trên đất châu Âu hiếm khi nào kết thúc có hậu cho Nam Mỹ.

Giữa 2 bờ đại dương ảnh 1

Ronaldinho (bên phải) lần thứ hai liên tiếp được FIFA bình chọn là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới.

Năm 2005 đã khép lại với thành công tuyệt đối của bóng đá Mỹ la-tinh ở các giải đấu, các cuộc bình chọn mang tầm cỡ thế giới. Đó là chức vô địch cho Mexico và ngôi á quân thuộc về Brazil ở giải vô địch U-17 thế giới. Đó là sự đăng quang của bóng đá trẻ Argentina tại giải vô địch U-20 thế giới. Đó là chức vô địch cho Brazil, ngôi á quân cho Argentina ở Confederations Cup 2005.

Đó là Ronaldinho thâu tóm mọi danh hiệu cao quý nhất: Danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất thế giới của FIFA, của Nghiệp đoàn các cầu thủ nhà nghề, của tạp chí World Soccer. Đó là chưa kể giải thưởng Quả bóng vàng châu Âu cũng thuộc về anh nốt. Bóng đá Mỹ la-tinh chỉ còn chờ giải thưởng cao quý nhất: Chiếc cúp vàng FIFA ở World Cup 2006.

Nếu bóng đá được ví như một tín ngưỡng, chiếc Cúp vàng FIFA ắt được ví như một viên ngọc thánh mà trong các đội bóng Mỹ la-tinh chỉ đoạt được một lần trong vô số cuộc thập tự chinh trên đất châu Âu. Đó là ở kỳ World Cup vào năm 1958 tại Thụy Điển. Brazil đã đánh bại đội chủ nhà trong trận chung kết bằng lối chơi tấn công sáng chói và thuyết phục đến nỗi được chính khán giả Thụy Điển vỗ tay tán thưởng một cách nhiệt thành.

Đó là thời kỳ mà những Garrincha, Didi, Vava, Zagallo...bắt đầu ghi tên mình vào huyền thoại, Pele trẻ tuổi (năm ấy ông 17 tuổi) bắt đầu trở thành Vua bóng đá. Tính trên từng vị trí, đội hình Brazil mạnh hơn tất cả. Tính trên hệ thống chiến thuật, họ cũng vượt trội tất cả với cách bố trí chiến thuật 4-2-4. Đó là cách bố trí mà thế hệ Brazil ngày nay đang sử dụng lại – nhưng dĩ nhiên với một số cách điều chỉnh cho phù hợp hơn với bóng đá hiện đại.

Có một điều cần lưu ý: Khi Brazil đăng quang ở Thụy Điển, bóng đá châu Âu chưa thực sự chuyển mình. Bóng đá Anh còn bị ràng buộc bởi quy định về mức lương trần. Các giải bóng đá Tây Đức và Hà Lan chưa hoàn toàn chuyên nghiệp hóa. Nhưng một khi những bước thay đổi đó thành hình, đẳng cấp bóng đá châu Âu được đẩy lên cao, Brazil khó khăn hơn khi đối đầu với các đội bóng ở cựu lục địa.

Và vì thế, thành tích thi đấu nói chung của Brazil ở các kỳ World Cup tổ chức tại châu Âu không phải là cao vòi vọi. Quả thực, Brazil đã 5 lần vô địch thế giới, 3 lần á quân. Nhưng trong 18 lần đối đầu với các đội châu Âu ở các World Cup tổ chức tại châu Âu, Brazil chỉ thắng 8 lần, hòa 3, thua đến 7. Trong 8 lần thắng ấy, chỉ có 2 trận họ thắng được từ 2 bàn trở lên. Đó là trận thắng Bungari 2-0 vào năm 1966 (World Cup tại Anh) và thắng Scotland 4-1 năm 1982 (World Cup tại Tây Ban Nha).

Đơn cử France 98. Đây là kỳ World Cup mà Brazil đạt thứ hạng cao – á quân, nhưng cũng là kỳ World Cup để lại nhiều uẩn khúc. Dưới cái nhìn của giới chuyên môn, Brazil “chật vật như…điên” khi gặp tất cả đối thủ châu Âu. Ở vòng đấu bảng, họ thất bại 1-2 trước Na Uy. Ở trận chung kết, họ thua Pháp ba bàn không gỡ và trận chung kết ấy mãi mãi được nhắc đến như một biến cố lịch sử: Tại sao Ronaldo bị lên cơn co giật vài giờ trước trận đấu, tại sao anh vẫn được đưa vào thi đấu mặc dù ban đầu tên anh không có trong danh sách, đó là một bí ẩn chưa được soi sáng.

Với Argentina cũng thế thôi. Mười chín lần gặp các đội châu Âu ở World Cup tổ chức tại châu Âu, họ thắng 5 lần, hòa 7, thua 7, ghi 20 bàn nhưng thủng lưới tới 21 bàn. Ở France 98, Argentina cũng chật vật trước các đội châu Âu. Họ tưởng chừng đã bị đội tuyển Anh đánh bại ở vòng hai. Đến khi Beckham bị đuổi, Argentina mới kéo lại được thế cân bằng và sau đó chiến thắng trong loạt thi sút luân lưu 11m. Sang đến vòng tứ kết, họ bị Hà Lan đánh bại.

Nhìn chung, lịch sử không ủng hộ những Brazil, Argentina và nói chung là các đội Mỹ la-tinh trong những kỳ World Cup ở cựu lục địa. Bất kể châu Âu đã trở thành một nhiệm sở, một ngôi nhà thứ hai đối với nhiều ngôi sao Nam Mỹ, bất kể ngày nay FIFA ra sức bảo vệ những đôi chân khéo léo, những đội bóng trình diễn nghệ thuật bằng những điều luật hà khắc hơn thì việc giành chức vô địch thế giới trên đất châu Âu vẫn không phải là chuyện dễ dàng cho dù Brazil hiện nay mạnh chưa từng thấy.

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại. Nếu bóng đá Mỹ la-tinh vẫn phát huy đuợc tinh thần chiến thắng của năm 2005 để giành chức vô địch thế giới năm 2006 thì có lẽ ngay cả những CĐV trung thành nhất của châu Âu cũng phải cam chịu rằng bên kia bờ Đại Tây dương mới đúng là ngôi nhà của bóng đá...

HƯNG NGUYÊN (tổng hợp)
 

Tin cùng chuyên mục