Những người trẻ tuổi ủng hộ Tổng thống Argentina Fernández de Kirchner mặc áo thun đồng phục in khẩu hiệu về chiến dịch chống lạm phát của chính phủ đã đồng loạt vào các siêu thị kiểm tra giá cả của 500 mặt hàng do chính phủ quy định.
Đây là một trong những nỗ lực mới nhất của chính phủ Argentina để kiềm chế lạm phát hiện ở mức 24%, mức cao thứ hai ở Nam Mỹ sau Venezuela. Tổng thống Kirchner cho biết bà đang bảo vệ người tiêu dùng chống lại các nhãn hàng độc quyền chuyên tăng giá vô tội vạ. Khoảng 3.000 nhà hoạt động thanh niên trên cả nước ủng hộ bà Kirchner có nhiệm vụ đảm bảo các cửa hàng không nâng giá đối với một số hàng hóa, từ thịt băm, mì ống đến dầu ăn và bánh quy. “Nhiệm vụ của chúng tôi là đảm bảo các siêu thị tuân thủ quy định bán đúng giá”, Laura Farb, một thành viên thanh niên của tổ chức Peronismo Militante nói với báo CS Monitor. Đây là một tổ chức chính trị xã hội ủng hộ Tổng thống Kirchner. Các biện pháp không tăng giá với 500 mặt hàng nói trên áp dụng tại nhiều hệ thống siêu thị, kể cả đại gia Walmart, dự kiến sẽ kéo dài cho đến tháng 10-2013. Trước đó danh sách này lên tới 10.000 mặt hàng kéo dài trong 4 tháng.
Chính phủ Argentina cũng đã “niêm phong” giá xăng trong tháng 4, đồng thời tung ra các chương trình như “thịt cho mọi người”, theo đó cắt giảm mạnh giá bán thị bò khi nó đã vượt khỏi túi tiền của đa số người dân. Một tổ chức khác, như La Camporado con trai của bà Kirchner đứng đầu đã tổ chức mạng lưới bán trái cây và rau với giá bán buôn tại chuỗi cửa hàng ở khắp Buenos Aires như để khẳng định rằng tình trạng giá cả tăng vọt là do các tập đoàn kinh doanh độc quyền chứ không phải do chính sách kinh tế của chính phủ. Trong bài phát biểu gần đây kỷ niệm 10 năm thành lập Kirchnerism, mô hình chính trị cánh tả do ông Néstor Kirchner, người chồng quá cố của tổng thống và là người tiền nhiệm chủ xướng, Tổng thống Kirchner cho rằng chính các doanh nhân là người định giá. Bà Kirchner cũng vừa công bố tăng 35% phúc lợi cho trẻ em trong gần 2 triệu hộ gia đình, các chương trình phúc lợi khác cũng tăng. Chính phủ hy vọng rằng, chính sách này cùng với chính sách kiềm giá sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
500 mặt hàng được cố định giá chỉ bán để tiêu dùng trong gia đình, không được mua đi bán lại. Người đứng đầu hiệp hội siêu thị của Argentina cũng đã thừa nhận rằng cách làm này là cần thiết, nhất là với những mặt hàng thiết yếu. Nhà kinh tế Ariel Geandet, cựu quan chức Bộ Kinh tế Argentina cho rằng xã hội hay đổ lỗi giá cả tăng do chính phủ nhưng với cách làm này, chính phủ đã phá vỡ logic khi trao quyền lực kiểm soát giá cho người dân.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác biệt. Theo ông Gastón Rossi, cựu Thứ trưởng Kinh tế, chính sách cố định giá cả bước đầu tỏ ra thành công nhưng khó mà duy trì lâu dài. Vấn đề chính phải giải quyết là giảm thâm hụt ngân sách và nới lỏng chính sách tiền tệ. Theo ông Jaime Daremblum, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Hudson, cùng quan điểm khi cho rằng chính sách kiềm giá chỉ phát huy tác dụng trong một khoảng thời gian. Ông chỉ ra kinh nghiệm thất bại của Uruguay với chính sách này từ những năm 1960 cũng như ngay tại Argentina vào giữa những năm 1980, không thể ngăn chặn được cơn lạm phát phi mã.
KHÁNH MINH