Vừa qua, học sinh - sinh viên nghèo, khuyết tật, hiếu học ở vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên giới Campuchia đã vui mừng nhận quà tặng và học bổng do Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trao tặng. Đây là nguồn động viên, giúp các em thêm vững bước đến trường trong năm học mới.
“Con thèm đôi dép mới...”
Gần 200 học sinh ngồi dưới sân Trường Tiểu học Thuận Bình (xã Thuận Bình, Thạnh Hóa, Long An) háo hức chờ gọi tên lên nhận quà và học bổng từ Công ty cổ phần NAHI Việt Nam. Em Lê Thị Ngọc Tuyền học sinh lớp 4 (ở ấp T3, xã Thuận Bình) dáng người nhỏ xíu, đen nhẻm trong bộ quần áo cũ mèm, tóc khét nắng, chân mang 2 chiếc dép cũ khác nhau. Hóa ra, vì phải lội bộ đi học xa nên dép bị đứt quai 1 chiếc, em phải mang “chiếc đực, chiếc cái” đến trường. Ba mẹ làm công nhân ở TPHCM nên 3 anh em Tuyền ở với ông bà nội già yếu.
Bà nội Tuyền là Võ Thị Ba, 70 tuổi, nay bệnh mai đau nhưng vẫn ráng nuôi mấy con gà, con vịt kiếm chút tiền phụ lo các cháu ăn học để hy vọng sau này không cực khổ như ba mẹ chúng. Mỗi sáng bà Ba thức dậy lúc 4 giờ nấu nồi cơm, kho ít con cá rồi chia làm 3 phần cho các cháu mang theo đến trường ăn trưa. Nhà xa trường, lại cách một con sông, bà nội chỉ có thể lấy xuồng đưa các cháu qua sông rồi anh em Tuyền tự dắt nhau đi bộ gần 3km đến trường. Khó khăn, vất vả nhưng 3 năm qua Tuyền luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Tuyền bảo, nhận được học bổng em sẽ mua thêm tập sách, đồng phục cho mình và em trai. Còn lại sẽ đưa cho bà nội để dành. Quay sang bà nội, Tuyền nói nhỏ: “Mua cho con đôi dép mới nha nội! Con thèm đôi dép mới...”.
Đại diện Công ty cổ phần NAHI trao học bổng học sinh Trường Tiểu học Thuận Bình
Khệ nệ ôm quà, em Nguyễn Thị Thùy Trang học lớp 4 vui mừng khoe rằng tối hôm qua em nôn nao không ngủ, cứ chờ trời mau sáng để đến trường nhận quà và học bổng: “Vậy là con sẽ có quần áo, tập sách mới. Con hứa sẽ học tốt hơn để thầy cô và mẹ vui lòng”. Mồ côi cha, Trang sống trong ngôi nhà nhỏ dựng tạm bợ cùng mẹ đang làm nhân viên tạp vụ ở ủy ban xã. Hàng ngày, ngoài giờ học em đi giăng lưới bắt cá, về nhà còn biết nấu cơm giúp mẹ. Cuộc sống thiếu thốn đã giúp em rèn tính tự học nên nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Theo cô Trần Thị Thu Huyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thuận Bình, đa số học sinh là con nông dân, người làm mướn nên cuộc sống còn nhiều thiếu thốn. Việc được tài trợ học bổng, giúp đóng học phí, mua BHYT, đồng phục, tặng dụng cụ học tập, quà bánh… đã giúp các em có thêm điều kiện đến trường và xóa đi mặc cảm với bạn bè cùng trang lứa. Với học sinh vùng xa này, những phần quà đa dạng như trên vô cùng quý báu.
Đến trường trên đôi chân của chị
Tại buổi lễ trao học bổng cho học sinh - sinh viên nghèo, khuyết tật, hiếu học do Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM tổ chức và Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn tài trợ chi phí, những người tham dự vô cùng xúc động khi nhìn thấy hình ảnh người chị gái cõng đứa em trai trên lưng bước lên nhận học bổng. Đó là em Lưu Thế Huy, học sinh lớp 10 Trường THPT Thạnh Lộc (quận 12, TPHCM). Mắc căn bệnh lạ nên cơ thể Huy dần yếu đi và đến năm lớp 6 thì không thể tự đứng trên đôi chân mình. Thương em, chị Lưu Thị Thu Mai đã miệt mài ngày qua ngày cõng Huy tiếp tục đến với con chữ… Dù sức khỏe yếu nhưng Huy luôn phấn đấu đạt học lực khá giỏi. Với tinh thần ham học hỏi, vượt lên nghịch cảnh, Huy đã nhận được học bổng tiếp sức đến trường từ năm học lớp 6 đến nay.
Ông Trần Thành Long, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM cho biết, ngoài các chương trình hỗ trợ bệnh nhân chi phí điều trị bệnh, Hội cũng vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tài trợ những phần học bổng cho học sinh hiếu học. Học bổng dù chỉ là món quà nhỏ, nhưng thông qua đó đã thể hiện tấm lòng của các mạnh thường quân. Giúp các em biết rằng quanh mình vẫn còn rất nhiều tấm lòng đang chung tay, góp sức để các em tiếp tục bước trên con đường tương lai phía trước.
Thái Phương