Giúp người, giúp mình

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chính thức thông báo giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0,25% - 0,5% như hiện nay. Quyết định trên được đưa ra sau khi Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED, đã quyết định hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu thế giới trong năm nay xuống 2,2%, thấp hơn 0,2% so với dự báo đưa ra hồi tháng 12-2015.

Theo FOMC, hoạt động kinh tế của Mỹ vẫn mở rộng với tốc độ vừa phải trong những tháng qua và dự báo thị trường lao động sẽ tiếp tục cải thiện; tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm xuống 4,7% vào cuối năm, từ mức 4,9% hiện nay; lạm phát cũng giữ ở mức rất thấp cho đến cuối năm. Tuy nhiên, vẫn có nhiều nguy cơ tồn tại có thể đe dọa nền kinh tế Mỹ. Gần đây, đầu tư doanh nghiệp và xuất khẩu của Mỹ khá yếu, nhưng điều FED quan ngại nhất là tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm lại. Đầu tháng 1-2016 Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của thế giới từ mức 3,6% xuống còn 3,4%.

Khó khăn không chỉ đeo đuổi những nước có nền kinh tế kém khỏe mạnh. Ngay cả những “gã” nhà giàu như Saudi Arabia cũng đang tìm kiếm một khoản vay ngân hàng từ 6-8 tỷ USD, để bù đắp khoản thâm hụt ngân sách kỷ lục do giá dầu lao dốc. Theo giới phân tích, 6 nước xuất khẩu dầu lửa giàu có ở vùng Vịnh có thể phải vay tổng cộng 20 tỷ USD hoặc hơn trong năm 2016. Điều này là một sự khác biệt so với trước kia, khi khu vực này thường dư dả ngân sách và cho phần còn lại của thế giới vay. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đã cho thấy những dấu hiệu của sự mệt mỏi trong thời gian qua. Trong khi đó, việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cùng ngân hàng trung ương nhiều nước vẫn phải tung ra gói kích thích kinh tế cho thấy, đà phục hồi rất mong manh của nền kinh tế toàn cầu.

Quyết định giữ nguyên mức lãi suất của FED không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát. Tại hội nghị quan chức của nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cuối tháng 2 vừa qua, rất nhiều quan chức tham dự đã khẳng định rằng, các chính sách tiền tệ hiện nay tiếp tục góp phần thúc đẩy hoạt động kinh tế và đảm bảo giá cả ổn định nhưng không thể giúp tăng trưởng cân bằng. Nếu Mỹ tăng lãi suất sẽ khiến đồng USD tăng giá, đồng nghĩa với việc chi phí vay cao hơn đối với các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, gây khó khăn cho sự phát triển kinh tế, chặn đà tăng trưởng. Chưa kể, dòng vốn sẽ tháo chạy khỏi những quốc gia trên, đẩy những nước này đến bờ vực phá sản. Điều này có thể gây náo loạn kinh tế toàn cầu bởi các quốc gia đang phát triển và mới nổi chiếm từ 40%-50% GDP toàn cầu.

Nói như Jon Faust, giám đốc Trung tâm tài chính kinh tế của ĐH Johns Hopkins (Mỹ), Mỹ không muốn mạo hiểm vào lúc này trong tình trạng sức khỏe của nền kinh tế thế giới hiện tại. Còn Chủ tịch FED Janet Yellen sau đó nói rằng, việc giữ nguyên lãi suất một phần phản ánh tầm ảnh hưởng của nền kinh tế và tài chính toàn cầu đối với kinh tế Mỹ. Suy cho cùng, giúp người là giúp mình. Các nước lao đao, Mỹ chẳng thể yên ổn.

ĐỖ CAO

>> FED không tăng lãi suất - Lo kinh tế toàn cầu còn bất ổn

Tin cùng chuyên mục