Trung tâm Dạy nghề người khuyết tật và trẻ mồ côi (huyện Hóc Môn, TPHCM) thuộc Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM đang nuôi dạy miễn phí 105 học viên khuyết tật, trong đó 10% bị tật nặng, hầu hết học viên liệt tay chân, liệt nửa người, gù lưng, mù, điếc…
Anh Nguyễn Văn Út (quê Kiên Giang) sau khi học xong nghề tranh ghép gỗ đã tình nguyện ở lại trung tâm dạy học viên tại đây.
Trong năm 2014, trung tâm đã mở 24 khóa nghề, đào tạo hơn 322 lượt học viên học các nghề được lựa chọn phù hợp với tình trạng khuyết tật, dễ tìm việc làm, như ghép tranh gỗ, kim hoàn, may, làm hoa đất, massage, tin học, vẽ, móc len, thêu…
Dù bị liệt 2 chân, gù lưng nhưng Đỗ Thị Oanh (quê Lâm Đồng) đã học được nghề may và làm hoa đất. Ước mơ của Oanh là được nhận ở lại trung tâm thực hành sau khi trung tâm xây dựng xong.
Đa số học viên được học nghề chính và thêm nghề phụ để dự phòng, đồng thời còn học văn hóa. Trong số 249 học viên tốt nghiệp, trung tâm đã giới thiệu việc làm ổn định 184 người. Hiện tại trung tâm cũng thường mở các lớp khởi sự doanh nghiệp để định hướng nghề nghiệp học viên.
Dù liệt 2 chân và 2 tay nhưng Huỳnh Thị Mến vẽ tranh rất đẹp và làm hoa đất cũng rất khéo.
Bà Đinh Thị Hỏi, Giám đốc trung tâm, cho biết: “Người khuyết tật tự tin hơn trong cuộc sống khi được học nghề và đi làm để có thu nhập. Nhiều trường hợp bị tật rất nặng, nhưng lại mong muốn học nghề, chúng tôi cũng tạo điều kiện giúp các em. Được sự nhất trí của lãnh đạo TPHCM, hội và trung tâm cũng đang triển khai dự án xây trung tâm thực hành trực tiếp sản xuất để tạo thêm điều kiện tiếp nhận các em, nhất là các em bị dị tật nặng”.
Nhờ học tại trung tâm, hơn 30 đôi đã gặp nhau và lập gia đình, như anh Nguyễn Văn Út và vợ Phạm Thị Thủy.
THÁI PHƯƠNG