Các chị đều có chung một điểm xuất phát là thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống chật vật, vất vả nên phải bươn chải kiếm sống hàng ngày. Vậy mà sau khi học được cái nghề, được sự giúp đỡ của Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM, họ đã thành lập mô hình tổ hợp tác để không chỉ giúp gia đình mình thoát nghèo, mà còn giúp tạo việc làm cho chị em phụ nữ xung quanh ổn định cuộc sống.
Mô hình tổ hợp tác phụ nữ may gia công Bạch Văn (phường 10, quận Gò Vấp, TPHCM) được xem là một trong những mô hình hoạt động hiệu quả, giúp giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ. Chị Đặng Thị Bạch Cúc, tổ trưởng - người thành lập tổ hợp tác, cho biết trước đây gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, chị làm nghề thêu tay, thu nhập bấp bênh, chồng chị là giáo viên, lương không đủ nuôi gia đình 4 miệng ăn. Với quyết tâm thoát nghèo, chị được Hội phụ nữ phường hỗ trợ vay vốn mua 1 máy may công nghiệp. Có máy may, chị Cúc ngày đêm làm việc, dành dụm để 2 năm sau chị mua thêm 5 máy may và tuyển thêm thợ làm cho mình. Khi đã đưa gia đình mình thoát nghèo, chị Cúc nhìn thấy trong xóm có nhiều chị em phụ nữ cuộc sống còn khó khăn, vậy là chị mua thêm máy móc, mở rộng cơ sở và năm 2013 chị thành lập tổ hợp tác. Nhờ tinh thần chịu khó và tính ham học hỏi, đến nay tổ hợp tác của chị Cúc đã giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động trực tiếp tại cơ sở và 20 chị nhận hàng về làm tại nhà với thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng. Tương tự, các tổ hợp tác phụ nữ may gia công của chị Trần Ngọc Nga làm tổ trưởng (tại xã Hưng Long, huyện Bình Chánh), của chị Hoàng Thị Cúc (phường 6, quận 8) đã rất thành công, giúp giải quyết việc làm cho hơn 50 thành viên nữ.
Tại xã Tân Nhật (huyện Bình Chánh) có một tổ hợp tác phụ nữ se nhang hoạt động rất hiệu quả. Tổ trưởng là chị Lê Thị Tám, một phụ nữ hiền hòa và đầy nhiệt huyết. Ngày trước gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, để có thêm thu nhập chị Tám đi học nghề se nhang và làm gia công tại nhà để tiện chăm sóc gia đình. Thấy chị chịu khó, hội phụ nữ xã giới thiệu chị vay vốn mua nguyên liệu và 2 máy se nhang để 3 thành viên trong gia đình chị có việc làm. Khi công việc dần ổn định, chị Tám vận động chị em phụ nữ nghèo, không có việc làm trong xóm đến nhà chị học nghề. Không chỉ tận tình hướng dẫn cách se nhang, trộn bột mà với những chị không có tiền mua máy, chị Tám còn mạnh dạn cho mượn máy gia công của mình để các chị có máy móc làm việc. Thấy nhóm của chị hoạt động có hiệu quả, năm 2013, hội phụ nữ xã đề nghị nâng cấp nhóm của chị Tám thành tổ hợp tác và chị được bầu làm chủ nhiệm. Tổ hợp tác hiện hoạt động rất hiệu quả với 19 máy se nhang và 25 tổ viên. Thu nhập bình quân hàng ngày của mỗi chị trong tổ gần 80.000 đồng đã giúp gia đình tổ viên ổn định cuộc sống, dần vượt qua chuẩn nghèo.
Theo đồng chí Trần Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP, các mô hình tổ hợp tác trên đã giúp tạo việc làm cho lao động nữ sau học nghề, thuộc đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015” của Thủ tướng Chính phủ. Sau một thời gian hoạt động, các tổ hợp tác đã đi vào nề nếp, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp giải quyết việc làm ổn định cho nhiều chị em phụ nữ, góp phần vào công tác thực hiện giảm nghèo, tăng hộ khá trên địa bàn TPHCM.
THÁI PHƯƠNG