Ngày 1-6 hàng năm không chỉ đơn thuần là ngày tết thiếu nhi mà còn là dịp nhắc nhở mỗi chúng ta về nghĩa vụ, trách nhiệm và ý thức trong việc bảo vệ quyền cơ bản của trẻ em, dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ. Bởi lẽ đó, năm nào ngày tết thiếu nhi cũng rộn ràng, tưng bừng các hoạt động chăm lo cho trẻ.
Tết thiếu nhi 1-6 năm nay diễn ra trong bối cảnh thực sự đặc biệt, khi dịch Covid-19 bủa vây khiến nhiều địa phương bị phong tỏa, giãn cách xã hội. Những nơi chưa có dịch bùng phát cũng trong tâm thế hết sức cảnh giác nên hàng triệu trẻ em phải dừng đến trường, hạn chế việc tham gia các hoạt động vui chơi, sinh hoạt hè mang tính cộng đồng đầy màu sắc và bổ ích. Đặc biệt, số trẻ em phải cách ly tại gia đình hoặc ở các địa bàn phải giãn cách xã hội và cơ sở cách ly tập trung tiếp tục tăng lên, trong đó nhiều em nhỏ xa cha mẹ, gia đình, rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh các nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch và phải tự lập trong cuộc sống hàng ngày, các em còn có nguy cơ cao bị sang chấn, khủng hoảng tâm lý. Vì thế, việc quan tâm, chăm sóc trẻ em giữa mùa Covid-19 càng cấp thiết, không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình yêu thương, thấu hiểu.
Cục Trẻ em vừa có công văn khẩn gửi sở LĐTB-XH các địa phương đề nghị thực hiện Tháng hành động vì trẻ em 2021 (mở đầu là ngày tết thiếu nhi) theo chủ đề “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh”. Trong đó, mục tiêu chính là tăng cường các biện pháp phòng chống Covid-19 cho trẻ em và bảo đảm an toàn cho trẻ em trong đại dịch. “Chúng tôi mong muốn các địa phương bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở địa bàn giãn cách, trong khu cách ly Covid-19, đồng thời tạo một kỳ nghỉ hè vui và an toàn cho mọi trẻ em”, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, cho biết. Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung cũng thông tin, bộ sẽ dùng kinh phí từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam để hỗ trợ tiền ăn cho tất cả trẻ em trong khoảng 0-16 tuổi đang điều trị, cách ly y tế tập trung. Mức hỗ trợ là 80.000 đồng/ngày mỗi cháu trong 21 ngày, áp dụng từ ngày 27-4 đến 31-12-2021.
“Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan...”. Tấm lòng của Bác Hồ dành cho trẻ em cũng chính là tấm lòng, tình cảm của dân tộc dành cho thế hệ măng non đất nước. Dù đất nước trải qua bao cuộc chiến tranh, thiên tai, địch họa, người lớn phải ăn độn, ăn cháo thì trẻ em vẫn được ưu tiên dành cho những gì tốt đẹp nhất. Đất nước phát triển đi lên cũng là lúc hệ thống giáo dục và nhiều chế độ, chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em được hình thành một cách căn cơ, toàn diện, hướng đến những ưu tiên cao nhất cho trẻ, để các em có môi trường và điều kiện học tập, vui chơi, giải trí, nuôi dưỡng, phát triển một cách toàn diện nhất cả về tâm hồn lẫn tri thức. Trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay càng đòi hỏi việc vận dụng các chính sách phải hết sức thiết thực và nhân văn. Các địa phương cần cập nhật số lượng, lập danh sách và nhu cầu của trẻ em ở địa bàn giãn cách xã hội và cơ sở cách ly tập trung, đồng thời sử dụng ngân sách từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và các nguồn vận động khác để hỗ trợ dinh dưỡng, đồ dùng thiết yếu, thuốc và các vật phẩm y tế bổ sung cho trẻ em. Cả xã hội đều có trách nhiệm chung tay chăm sóc trẻ em, không chỉ những trẻ đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch, mà mọi trẻ em trên cả nước, sẽ đi qua dịch một cách bình an, mạnh khỏe nhất.