Gỡ khó cho các trường khi dạy học trực tiếp

Sáng 17-12, tại buổi họp giao ban công tác triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh Covid-19 do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức, các phòng GD-ĐT quận, huyện, đơn vị trường học đã đề xuất nhiều ý kiến nhằm tháo gỡ khó khăn đối với việc tổ chức dạy học trực tiếp trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Bà Vũ Ngọc Hằng, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận 6 cho biết, tỷ lệ học sinh đến trường trong ngày hôm qua (16-12) đạt 94,87% đối với lớp 9 và 83,9% đối với lớp 12. Trong đó, tất cả trường hợp vắng mặt đều có lý do cụ thể, thuận tiện trong việc quản lý. Khó khăn lớn nhất hiện nay của các trường là vấn đề chi phí mua sắm thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch, đặc biệt là chi phí mua các bộ xét nghiệm nhanh cho học sinh và giáo viên.

Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Tân thông tin, địa phương còn một trường THCS chưa tổ chức dạy học trực tiếp, tuy nhiên sau khi bổ sung các điều kiện cần thiết sẽ đưa vào hoạt động. Hiện nay, tỷ lệ học sinh lớp 9 đi học trực tiếp đạt 94,4%. Qua một tuần triển khai dạy học trực tiếp, khi phát hiện trường hợp F0, nhà trường sẽ di chuyển tất cả F1 qua một phòng học khác, đồng thời tiến hành xịt khuẩn phòng học đó, tổ chức xét nghiệm nhanh cho tất cả học sinh và vẫn tiếp tục dạy học bình thường.

Thực tế cho thấy, nhiều phụ huynh lo lắng, mong muốn con quay lại học trực tuyến khi trong lớp phát hiện trường hợp F0. Tuy nhiên, nhà trường đã làm công tác động viên tư tưởng cho học sinh và phụ huynh để các em vẫn đến trường bình thường, không gián đoạn quá trình học tập.

Gỡ khó cho các trường khi dạy học trực tiếp ảnh 1 Xét nghiệm nhanh Covid-19 đối với học sinh khối 12, Trường THPT Trưng Vương (quận 1)

Đối với Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1), bà Trần Thị Hồng Thủy, Phó Hiệu trưởng nhà trường băn khoăn, trường hợp phát hiện học sinh dương tính tại nhà, khi đó tất cả học sinh và giáo viên cùng lớp đều đang ở nhà thì việc xét nghiệm nhanh cho các F1 sẽ gặp khó khăn.

Đặc biệt, với đặc thù đơn vị có nhiều học sinh nhà ở xa trường, di chuyển bằng xe đưa đón đến trường thì việc xét nghiệm nhanh tại trường vào sáng hôm sau sẽ phát sinh thêm tình huống nếu phát hiện thêm học sinh dương tính, khi đó toàn bộ học sinh có mặt trên xe đưa đón trở thành F1 khiến quy trình xử lý phức tạp hơn.     

Đối với tình huống này, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TP cho biết, hiện nay quy trình xử lý đối với các trường hợp F1 và F0 được phát hiện trong thời gian dạy học trực tiếp ở trường hay phát hiện ở nhà đều giống nhau, tức là nhà trường phải tổ chức xét nghiệm nhanh cho tất cả học sinh và giáo viên có liên quan.

Nếu F0 được phát hiện tại trường, tất cả F1 đều đang ở trường nên quy trình xử lý thuận tiện hơn, nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì vẫn tổ chức dạy học bình thường. Ngược lại, nếu F0 được phát hiện tại nhà thì trường không cần xử lý F0 nhưng quy trình xử lý F1 vất vả hơn vì phải làm công tác tư tưởng với phụ huynh và học sinh.

Theo đó, tất cả học sinh thuộc diện F1 vẫn đến trường để được xét nghiệm bình thường, không khoán việc xét nghiệm tại nhà cho phụ huynh vì kết quả xét nghiệm chưa đảm bảo độ tin cậy, cần đội ngũ y tế xét nghiệm để đảm bảo chính xác.

Những trường hợp học sinh đi xe đưa đón, trường học cần hướng dẫn phương án di chuyển cụ thể, an toàn cho học sinh, bố trí khu vực tổ chức xét nghiệm đối với học sinh là F1, vận động các em hạn chế tối đa tiếp xúc với người khác.

Riêng đối với khó khăn về kinh phí mua sắm các bộ xét nghiệm nhanh cho học sinh và giáo viên, Sở GD-ĐT TP rất chia sẻ khó khăn với các trường. Hiện nay, Sở đã gửi văn bản đề xuất UBND TPHCM bố trí kinh phí cung cấp các bộ kit xét nghiệm nhanh cho học sinh và giáo viên, đồng thời tiếp tục làm việc với Sở Y tế để có thêm các hướng dẫn tháo gỡ khó khăn cho các trường trong quá trình thực hiện.

Trong thời gian chờ chủ trương chung của UBND TPHCM, Sở GD-ĐT khuyến khích các địa phương chủ động từ nguồn kinh phí của địa phương để hỗ trợ các trường trong việc mua sắm các bộ xét nghiệm nhanh cho học sinh và giáo viên, qua đó chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Gỡ khó cho các trường khi dạy học trực tiếp ảnh 2 Học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) chấp hành nghiêm quy tắc 5K khi trở lại trường học trực tiếp vào đầu tuần qua 

Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TP cũng lưu ý, khuyến cáo hiện nay của ngành y tế là hạn chế đến mức thấp nhất sự giao lưu giữa học sinh các lớp với nhau. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bắt học sinh ngồi tại lớp trong suốt giờ giải lao. Thay vào đó, các trường linh động bố trí thời gian luân phiên cho học sinh các lớp xuống sân chơi để bớt tù túng trong suốt buổi học, tổ chức khu vực chơi riêng cho từng lớp, tạo điều kiện cho học sinh thư giãn, giải lao không chỉ về thể chất mà còn tinh thần để các em cảm thấy thoải mái, vui vẻ với việc đến trường.

Cũng tại buổi họp, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TP bày tỏ, các trường không nên cứng nhắc trong việc tổ chức thời khóa biểu là mỗi tiết học phải đúng và đủ 45 phút. Thay vào đó, giáo viên có thể linh động 5 phút đầu giờ để tuyên truyền, nhắc nhở học sinh các biện pháp phòng chống dịch hoặc cho các em giải lao sớm 5 phút cuối giờ để bố trí luân phiên thời gian cho học sinh xuống sân chơi, đảm bảo yêu cầu về giãn cách.
Kết thúc buổi họp, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP đề nghị huyện Củ Chi - địa phương duy nhất lùi thời gian học sinh đến trường học trực tiếp so với kế hoạch chung của UBND TPHCM, sớm có kế hoạch cụ thể về tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh khối 9 và 12, đảm bảo kết quả thực hiện theo kế hoạch chung của TP. Ngoài ra, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP cũng yêu cầu lãnh đạo các phòng GD-ĐT quận, huyện, thủ trưởng đơn vị trường học quán triệt kế hoạch đi học trực tiếp của địa phương, chủ động trong việc theo dõi, phát hiện các ca nghi nhiễm, phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế trong việc xử lý ca nhiễm, đảm bảo tâm lý ổn định cho học sinh.
Hiện nay, mỗi đơn vị trường học có điều kiện phòng chống dịch không giống nhau. Do đó, dựa vào tình hình thực tế, các trường tính toán phương án thực hiện cho phù hợp, quan tâm việc bố trí khu vực vệ sinh, bồn rửa tay, hướng di chuyển, khu vực sân chơi cho từng lớp và nhóm đối tượng học sinh cụ thể để khi xuất hiện F0 có thể khoanh vùng một cách nhanh nhất.
Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức và 21 quận, huyện có trách nhiệm theo dõi hoạt động của các đơn vị để tiếp tục tham mưu lãnh đạo địa phương các đề xuất cần thiết và phù hợp. Riêng đối với 3 quận, huyện là Gò Vấp, Củ Chi và Thủ Đức, hiện nay còn nhiều cơ sở trường học được trưng dụng phục vụ phòng chống dịch, Phòng GD-ĐT cần làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tại địa phương để có kế hoạch thu hồi trường học, tiến hành việc sửa chữa, cải tạo nhằm chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc mở rộng đối tượng dạy học trực tiếp trong thời gian tới theo kế hoạch của UBND TPHCM.

Tin cùng chuyên mục