Cần có những giải pháp gỡ khó của địa phương, cùng sự đầu tư bài bản từ doanh nghiệp để chuyên nghiệp hóa ngành này, thúc đẩy phát triển kinh tế và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Bình Dương có vị trí tiếp giáp các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, TPHCM, Tây Ninh, hiện đang có 29 khu công nghiệp lớn, với gần 35.000 doanh nghiệp trong nước và khoảng 3.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhưng bài toán về hạ tầng giao thông, giải quyết tình trạng tắc đường, kẹt xe... vẫn chưa được xử lý hiệu quả. Điều này khiến ngành logistics nhiều năm qua vẫn loay hoay cung cấp các dịch vụ giản đơn, có giá trị thấp, như: khai báo hải quan, làm thủ tục xuất nhập khẩu, cho thuê kho hàng. Trong khi đó, các dịch vụ có giá trị lớn như chuỗi cung ứng, xử lý đơn hàng, phân phối đơn hàng chiếm tỷ trọng rất thấp...
Ngành logistics Bình Dương hiện cũng chỉ tập trung vào các lĩnh vực dệt may, giày da, xuất nhập khẩu, linh kiện điện máy, chế biến gỗ. Trong chuỗi cung ứng hàng hóa ở đô thị công nghiệp như tỉnh Bình Dương, hoạt động vận tải có vai trò đặc biệt quan trọng nhưng cũng chính là điểm nghẽn chưa được tháo gỡ, bởi hầu hết các tuyến đường huyết mạch của tỉnh này là quốc lộ 13, đường Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT 743, ĐT 741... thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, nhất là vào giờ cao điểm.
Các doanh nghiệp từng phản ánh, hàng hóa tại các khu công nghiệp của tỉnh đi các cảng biển của TPHCM có cự ly chỉ khoảng 30km nhưng thời gian chuyển hàng đến cảng và đưa container rỗng về lại công ty mất khoảng 10 tiếng, làm đội giá thành sản phẩm, giảm sút sức cạnh tranh, trong đó, chi phí logistics của hàng hóa xuất khẩu hiện đang chiếm khoảng 30%-40% giá thành sản phẩm.
Bình Dương cũng là tỉnh có số lượng kho bãi, dịch vụ vận chuyển lớn, chiếm khoảng 51% tổng nguồn cung kho bãi khu vực phía Nam và đang có sự hiện diện của hầu hết các công ty logistics lớn trên thế giới. Thế nhưng, phần lớn các doanh nghiệp logistics trong nước có trụ sở tại địa phương này lại quy mô nhỏ, thiếu kinh nghiệm và vốn, hạ tầng phục vụ cho hoạt động vận chuyển, bốc dỡ còn nhiều hạn chế.
Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ tỉnh Bình Dương, cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam năng động, thích ứng nhanh nhưng hạ tầng quá tải, lạc hậu đã gây ra nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập. Do vậy, cần làm những tuyến đường lớn, có quỹ đất dự phòng để mở rộng đường khi có nhu cầu, tránh tình trạng loay hoay đền bù, giải phóng mặt bằng.
Hiện tỉnh Bình Dương đang hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động các cảng sông như: Cảng An Sơn, sẽ trở thành trung tâm logistics ICD; Cảng dịch vụ container - kho chứa hàng hóa của doanh nghiệp tư nhân Nguyên Ngọc, Cảng Thái Hòa (phường Thái Hòa, TX Tân Uyên), nằm trên sông Đồng Nai, được quy hoạch diện tích khoảng 300ha, do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC) làm chủ đầu tư, với vốn 6.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh này cũng đang xây dựng hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ; nạo vét khai thác hệ thống đường sông, tiến tới xây dựng tuyến đường sắt đến cảng Cái Mép - Thị Vải; kêu gọi các nhà đầu tư vào các cảng cạn, cảng sông...
Ở lĩnh vực thông quan hàng hóa, từ năm 2014, Hải quan Bình Dương đã triển khai máy soi container di động tại địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung trên quốc lộ 13, giúp rút ngắn thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa chỉ còn 5 - 7 phút, bảo đảm an toàn và vệ sinh cho hàng hóa, giảm chi phí kiểm tra. Cục Hải quan Bình Dương cũng đã áp dụng phần mềm quản lý kho CFS và phần mềm quản lý kho ngoại quan, giúp doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hàng hóa và quản lý kho giảm thời gian làm thủ tục, giảm giấy tờ khai báo. Từ năm 2016, đơn vị này đã triển khai đồng loạt tại các chi cục làm thủ tục 46 dịch vụ công trực tuyến qua website của cục, trong đó có 37 dịch vụ công do chính Hải quan Bình Dương xây dựng, nhằm giúp doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí đi lại, minh bạch thông tin giữa công chức hải quan và doanh nghiệp…