Như Báo SGGP đã đưa tin, UBND TPHCM tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan tìm giải pháp tháo gỡ hàng ngàn căn nhà còn tồn đọng chưa được cấp giấy chủ quyền. Nếu giải pháp mới được thông qua, việc cấp giấy chủ quyền sẽ giải quyết căn bản những vướng mắc hiện nay…
Một mảng tường mặt sau chung cư A9 chưa được tô vữa hoàn thiện, mặc dù đã giao nhà 15 năm.
Thêm nhiều dự án “ngâm sổ đỏ”
Tại chung cư A9, khu nhà ở Bắc Đinh Bộ Lĩnh, phường 26 quận Bình Thạnh, những vấn đề bức xúc của người dân với chủ đầu tư vẫn còn nguyên. Bà Tú Anh, chủ nhân căn 408, chỉ phần vỉa hè mặt tiền căn hộ nền xi măng, nói: “Từ khi giao nhà tới giờ hơn 14 năm, chủ đầu tư bỏ mặc, nền móng bong tróc, không hề sửa chữa. Tôi phải bỏ tiền ra làm lại cho sạch sẽ tươm tất”. Bà cũng nói luôn, chủ đầu tư thi công cẩu thả, khi một phần tường mặt sau chung cư không chịu tô vữa, để lâu nước ngấm đã làm hư vách tường. Chưa hết, hệ thống thoát nước của căn hộ bị ngấm ra vách tường, xuống nền nhà, hết sức dơ và hôi hám, nhưng chủ đầu tư cũng không một lần đoái hoài tới. Không chỉ bỏ mặc khâu sửa chữa, vấn đề lớn nhất là giấy chủ quyền cho từng căn hộ cũng chây ì. Bức xúc lên đỉnh điểm khi cư dân buộc làm đơn tố cáo chủ đầu tư lên các cơ quan công quyền.
Trước đây, trong loạt bài “Dài cổ chờ sổ đỏ” (SGGP 8-2014), chúng tôi đề cập các trường hợp không được cấp giấy chủ quyền trong 4 dự án nhà ở thuộc dự án bị thế chấp ngân hàng và bị phong tỏa tài sản. Sau đó, một chủ đầu tư đã phản ánh đến báo cho rằng, đó là vấn đề riêng tư trong việc làm ăn. Tuy nhiên, nhờ loạt bài này, UBND TPHCM đã vào cuộc bằng nhiều cuộc họp, yêu cầu rà soát để có hướng giải quyết cụ thể. Sau 6 tháng được các cơ quan chức năng rà soát, tính đến nay có 22 dự án bị vướng vì nhiều khó khăn khác nhau, nhiều lý do hơn so với phản ánh của báo. Cơ bản có 4 trường hợp tiêu biểu: quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai đã bị thế chấp; quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản bị ngăn chặn để đảm bảo thi hành án; vi phạm quy định về xây dựng nhưng chưa được xử lý; vi phạm quy định về đất đai, gồm thủ tục bồi thường, giao đất, điều chỉnh ranh dự án… “Đây không phải con số cuối cùng, chỉ sau khi các quận, huyện rà soát cụ thể trên địa bàn mới biết chính xác có bao nhiêu dự án chưa cấp giấy chủ quyền”, một lãnh đạo Sở TN-MT TP nhận xét.
Xắn tay gỡ khó
Theo ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TPHCM, cái khó lâu nay là mạnh ai nấy biết, chẳng hạn ngân hàng nói không nắm được thực trạng thế chấp của các dự án, sở chuyên môn không hậu kiểm, chính quyền quận huyện không nắm rõ thực trạng dự án trên địa bàn… Còn nay, Sở TN-MT đề xuất giải pháp mới có trách nhiệm rõ ràng. Đối với trường hợp dự án đã bán và bàn giao nhà cho người mua nhưng chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội theo quy hoạch được duyệt: sẽ buộc chủ đầu tư phải xây dựng hoàn tất. Trong trường hợp không còn chủ đầu tư, UBND quận huyện nơi có dự án, chủ trì tổ chức cho tập thể người mua nhà bàn bạc cách giải quyết. Đối với dự án vi phạm về xây dựng như vượt số tầng, vượt diện tích xây dựng… tiếp tục rà soát và đề xuất giải quyết theo chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ trước đó cũng như theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp dự án vào ngân hàng, nhà đã bán cho khách hàng giải quyết ra sao? Điểm đột phá mới nhất là Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM đã chủ động đề nghị UBND TPHCM thành lập ban chỉ đạo bao gồm các cơ quan chức năng, cũng như UBND quận huyện có dự án để giải quyết từng trường hợp cụ thể, có sự tham gia của ngân hàng nhận thế chấp cùng chủ đầu tư. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM sẽ chủ trì hướng dẫn thủ tục mua lại nợ và tài sản còn lại của chủ đầu tư, khi được một ngân hàng khác mua lại nợ… Sở Xây dựng hướng dẫn việc kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động đầu tư phát triển nhà, công bố công khai và thông báo cho các tổ chức tín dụng.
Đối với trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản bị cơ quan thi hành án ngăn chặn để đảm bảo thi hành án sẽ giải quyết như sau: Trên cơ sở hồ sơ đề nghị cấp giấy chủ quyền cho người mua nhà, cơ quan cấp giấy chủ quyền có văn bản xác định những căn hộ đã được chuyển nhượng hợp pháp cho người mua, để cơ quan thi hành án giải tỏa ngăn chặn đối với các tài sản này. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện việc cấp giấy chủ quyền cho người mua nhà theo quy định. Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự TP thống nhất hướng dẫn chi cục thi hành án dân sự các quận, huyện thực hiện.
LƯƠNG THIỆN