Gỡ khó cho “tàu 67” ở Bình Thuận

Nghị định 67/NĐ-CP năm 2014 về một số chính sách phát triển thủy sản là chính sách lớn, phù hợp với nguyện vọng của ngư dân, vừa hỗ trợ ngư dân bám biển vừa đảm bảo chủ quyền an ninh trên biển. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, hàng loạt tàu cá thuộc diện này ở tỉnh Bình Thuận phải nằm bờ, bị cháy, bị vướng nợ xấu ở mức báo động.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Thực hiện Nghị định 67, tỉnh Bình Thuận (một trong 3 ngư trường trọng điểm của cả nước) đã đóng mới 114 tàu cá và nâng cấp, cải hoán 6 chiếc. Thế nhưng đến nay, đã có 9 chiếc tàu bị tai nạn cháy chìm, tổn thất 100%; trong 111 chiếc còn lại thì chỉ có 13 trường hợp thực hiện trả nợ đúng hợp đồng tín dụng, 16 tàu nằm bờ dừng hoạt động và 67 tàu hoạt động không hiệu quả, phải cơ cấu nợ nhiều lần...

w3a-6059.jpg
Nhiều tàu cá thực hiện theo Nghị định 67 tại Bình Thuận không những không hoạt động hiệu quả mà còn bị cháy, khiến ngư dân gặp khó khăn

Theo Ngân hàng Agribank chi nhánh Bình Thuận, số tiền cho vay đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 ở địa phương đã lên tới hơn 1.076 tỷ đồng, dư nợ đến cuối năm 2023 là hơn 893 tỷ đồng, trong đó nợ xấu hơn 832 tỷ đồng. Đến nay, mới chỉ có 3 tàu được chủ trả hết nợ vay.

Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, do vốn đầu tư lớn và việc khai thác, dịch vụ khai thác không hiệu quả nên việc thu nợ vay gặp nhiều khó khăn, nợ xấu có chiều hướng gia tăng. Ngân hàng Agribank chi nhánh Bình Thuận đã và đang khởi kiện hàng chục trường hợp người dân vay vốn theo Nghị định 67 ra tòa. Cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận đã thụ lý 22 vụ, với tổng số tiền phải thi hành hơn 215 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dù đã thông báo bán đấu giá hàng loạt tàu cá theo Nghị định 67 nhưng không có người mua, thậm chí giảm giá xuống nhiều lần (có tàu giảm đến 24 lần) vẫn không bán được.

UBND tỉnh Bình Thuận đã giao các sở, ngành tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện các chính sách đối với việc đóng mới, nâng cấp “tàu 67”, sớm tham mưu Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 67.

Trong đó, UBND tỉnh đề xuất Chính phủ hỗ trợ một lần chi phí duy tu, sửa chữa định kỳ đối với tàu cá vỏ thép, mức hỗ trợ theo chiều dài tàu; nâng mức hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu lên 90%; bổ sung vào nhóm nguyên nhân khách quan, bất khả kháng (như ngư trường mùa vụ bất lợi hoặc do thiên tai, dịch bệnh kéo dài) để ngư dân được cơ cấu lại nợ vay và được hưởng hỗ trợ lãi suất.

UBND tỉnh Bình Thuận cũng kiến nghị các bộ, ngành sớm báo cáo và tham mưu Chính phủ có cơ chế miễn, giảm số nợ (gốc và lãi vay) còn lại sau khi đã bán tài sản thế chấp là “tàu 67” nhưng không đủ trả nợ ngân hàng, nhằm giúp ngư dân vượt qua khó khăn; đồng thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong thi hành án dân sự đối với các vụ tranh chấp hợp đồng vay vốn giữa ngân hàng và ngư dân theo Nghị định 67 theo hướng không kê biên; xử lý các tài sản khác của chủ tàu cá sau khi đã bán tài sản thế chấp là tàu cá nhưng không đủ trả nợ.

Qua đó bảo đảm mục tiêu, chính sách của Đảng và Nhà nước khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc và phát triển kinh tế, nâng cao đời sống ngư dân.

Tin cùng chuyên mục