Gỡ nút thắt cho gói hỗ trợ

Bộ LĐTB-XH vừa có văn bản gửi Bộ KH-ĐT đề xuất chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh trong khi gói hỗ trợ thứ hai đang được Bộ KH-ĐT xây dựng để trình Chính phủ (dự kiến thực hiện từ tháng 9-2020 đến tháng 6-2021). Khoản kinh phí mà Bộ LĐTB-XH đề xuất khoảng 18.500 tỷ đồng mà phần lớn dành cho hỗ trợ tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh và cho người lao động vay vốn ưu đãi; phần còn lại để hỗ trợ lao động mất việc làm, có hoàn cảnh khó khăn dưới hình thức hỗ trợ trực tiếp bằng tiền.

Dù đồng thuận với việc doanh nghiệp và người lao động thực sự cần được hỗ trợ để vượt qua giai đoạn khó khăn này nhưng nhiều ý kiến đề nghị đánh giá kỹ hiệu quả và cách thức thực hiện gói an sinh xã hội lần thứ nhất (62.000 tỷ đồng) để rút kinh nghiệm, trước khi tiếp tục triển khai hỗ trợ lần này. 

Thực tế, đến nay gói hỗ trợ thứ nhất mới tiếp cận được 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng (chủ yếu là hộ chính sách) với tổng kinh phí 17.500 tỷ đồng, khoảng 1/3 số tiền đã bố trí. Trong quá trình giải ngân, công luận đã chỉ rõ nhiều trường hợp hỗ trợ “nhầm” đối tượng. Thế nhưng, nhiều đối tượng rất trông chờ khoản hỗ trợ này lại không thể nhận được, dù “cục tiền” còn đó. 

Theo ông Nguyễn Anh Quân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý G7 taxi, đến thời điểm hiện tại, công ty có hơn 1.000 tài xế đã hoàn tất thủ tục xin hỗ trợ, song chưa có trường hợp nào được giải quyết. Lý do là quy định hỗ trợ chỉ áp dụng với lao động bị hoãn hợp đồng, nghỉ việc liên tục từ 1-4 đến 30-6, trong khi các tài xế chỉ nghỉ liên tục 22 ngày, sau đó luân phiên đi làm trở lại. Do vậy, dù thu nhập sụt giảm nghiêm trọng, những lao động này cũng không đủ điều kiện để được hỗ trợ. 

Tương tự, ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty T&T 159 Hòa Bình, phản ánh việc ông tìm cách tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ mới biết doanh nghiệp không đủ điều kiện vì đã không cho công nhân nghỉ việc, mà chỉ giảm thời gian làm việc. “Chúng tôi buộc phải đặt câu hỏi rằng, những đề xuất này có thực sự nhắm đến đối tượng doanh nghiệp đang rất cần hỗ trợ không”, ông Thắng tâm tư.

Gói tín dụng 16.000 tỷ đồng với lãi suất 0% hỗ trợ người lao động ngừng việc, đưa ra điều kiện, doanh nghiệp không có doanh thu, đã sử dụng hết các quỹ mới được vay. “Nhưng nếu không còn doanh thu, doanh nghiệp phải dừng hoạt động thì vay vốn để làm gì?”, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, tâm tư.

Như vậy, có một bộ phận doanh nghiệp đang thực sự khó khăn, nhưng nỗ lực tránh việc sa thải quá nhiều người lao động, hoặc người lao động yếu thế, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, lẽ ra cần được ưu tiên giải cứu thì vẫn chưa, hoặc chỉ được nhận rất ít từ gói 62.000 tỷ đồng. Công tác quản lý dân cư chưa tốt dẫn đến tâm lý sợ trách nhiệm, đùn đẩy… cũng là những nút thắt khiến việc triển khai hỗ trợ càng bị chậm trễ. 

Việc giữ ổn định hoạt động của doanh nghiệp cũng như đảm bảo việc làm cho người dân sẽ giúp hạn chế tối đa tình trạng phá sản hàng loạt, để khi dịch bệnh đi qua, nền kinh tế dễ phục hồi nhanh chóng. Song, khoản chi hàng chục ngàn tỷ đồng cũng tạo ra những áp lực rất lớn đến cân đối ngân sách và khả năng đảm bảo các nhiệm vụ chi tiêu khác. 

Trong khi đó, thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15-8 ước đạt 812.200 tỷ đồng, chỉ bằng 53,7% dự toán năm. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo về khả năng “thủng” trần bội chi. Vì thế, trước khi triển khai gói hỗ trợ mới, cần xác định rõ những đối tượng ưu tiên cũng như những giải pháp triển khai một cách hợp lý nhất. Những quy định bất cập được nêu như trên cần phải được rà soát, loại bỏ, không để xuất hiện trở lại trong gói hỗ trợ mới. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần thúc đẩy việc cắt giảm điều kiện kinh doanh không phù hợp để doanh nghiệp tự “cứu” mình, từ đó có điều kiện lo cho người lao động. Điều đáng mừng là chính dịch Covid-19 đang là thời điểm dễ có sự đồng thuận nhất trong cải cách, để cùng chèo lái con thuyền kinh tế - xã hội vượt khó.

Tin cùng chuyên mục