Gỡ rào cản cho người nghèo đi xuất khẩu lao động

Từ đầu năm đến nay, TPHCM có khoảng 400 người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), chiếm chưa đến 6% so với tổng số người đi XKLĐ trong cả nước (7.000 người).
Công ty INTIME đào tạo người lao động trước khi đi làm việc ở Nhật Bản
Công ty INTIME đào tạo người lao động trước khi đi làm việc ở Nhật Bản
Trước tình hình này, Sở LĐTB-XH đã đưa ra nhiều giải pháp, trực tiếp tháo gỡ các khó khăn giúp người dân, đặc biệt là người nghèo, có điều kiện xuất ngoại lao động. 
Khó khăn: Trình độ và tiền  
“Tính theo phân tầng lao động, mấy năm trước, những gia đình có điều kiện và muốn đi XKLĐ đều đã đi hết rồi. Phân khúc hiện nay muốn đi mà chưa đi thì có 60% - 70% nằm trong diện nghèo, với hai cái “eo” về vốn và trình độ. Trong đó, nhiều người không có điều kiện học cấp 3”, ông Huỳnh Hồ Đại Nghĩa (Trung tâm XKLĐ TEXGAMEX) nhận xét.
Gỡ rào cản cho người nghèo đi xuất khẩu lao động ảnh 1 Nhân viên Công ty TRACODI tư vấn cho người lao động đi làm việc tại Nhật Bản
Theo ông Nghĩa, người lao động “nghèo đúp” như vậy khó đủ điều kiện để đi XKLĐ, nhất là làm việc ở thị trường Nhật Bản, nếu không có sự hỗ trợ của TP. Nhằm tạo cơ hội cho người nghèo đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, năm 2016, UBND TPHCM đưa ra kế hoạch mỗi năm TP sẽ hỗ trợ cho khoảng 240 người đi XKLĐ. Tuy nhiên, từ đầu năm 2017 đến nay, mới có 20 người nghèo đi XKLĐ. 
Ông Nghĩa đánh giá, hiện nay việc hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo, diện chính sách, người có đất bị thu hồi, dân tộc thiểu số (gọi chung là người nghèo) theo Nghị định 61/2015 đang… mỗi nơi diễn giải mỗi khác, mỗi nơi thực hiện một kiểu.
Ông Nghĩa dẫn chứng, vừa rồi, ở huyện Củ Chi có 1 người dân tộc Chăm muốn đi XKLĐ. Đáng lẽ trường hợp này được vay tiền để đi XKLĐ, nhưng Ngân hàng Chính sách huyện Củ Chi trả lời phải là người vừa thuộc dân tộc thiểu số, vừa diện nghèo mới được vay; chứ chỉ là người dân tộc thiểu số thì không được. Thành ra, gia đình người lao động này phải xoay xở, vay mượn 6 người khác mới đủ tiền đi XKLĐ. 
Ông Đặng Quang Tý, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ XKLĐ và chuyên gia (SULECO), đề cập đến một khó khăn khác - học ngoại ngữ. Người dân bỏ ra 1 - 2 tháng học nghề còn được, chứ vận động họ mất 8 tháng để học ngoại ngữ là rất khó.
Ngoài ra, việc làm cho người lao động sau khi về nước cũng là vấn đề ông Tý trăn trở: “Người lao động đi làm sau 3 năm, về nước có tiền (800 triệu - 1 tỷ đồng), có ngoại ngữ và có tay nghề chuyên sâu nhưng lại… tái thất nghiệp, không kiếm được việc làm đúng ngành nghề”.
Ông Tý phân tích, nhiều doanh nghiệp (DN) Nhật đang đầu tư tại Việt Nam không cần tay nghề quá chuyên sâu mà cần tuyển người có ngoại ngữ, hoặc kỹ năng mềm làm quản lý, trưởng nhóm, tức là công việc trung gian giữa lãnh đạo DN và công nhân. Trong khi đó, lao động ở Nhật về nước có 2 giỏi - giỏi tiếng Nhật, giỏi tay nghề - nhưng quản lý một đội/nhóm lao động lại chưa được. Như vậy, người lao động về nước cũng cần được đào tạo thêm một số kỹ năng mềm, đủ khả năng đảm đương công việc mà các DN đang cần.
Có giải pháp hỗ trợ
Để bù đắp thiếu hụt về trình độ, theo ông Huỳnh Hồ Đại Nghĩa, địa phương cần vận động người lao động đi học bổ túc hoặc trung cấp nghề, đặc biệt trình độ trung cấp nghề rất được các DN ở Nhật Bản ưa chuộng. Trước các lo ngại về chi phí đi XKLĐ, bà Nguyễn Thị Hồng Hà, Phó ban chỉ đạo Chương trình Giảm nghèo bền vững TPHCM, giải thích chương trình cho vay đi XKLĐ theo Nghị định 61 có nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm. Đây là văn bản của Chính phủ, áp dụng trong toàn quốc và lấy chuẩn nghèo là chuẩn nghèo quốc gia (khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng; khu vực thành thị là 900.000 đồng/người/tháng).
TPHCM có chuẩn nghèo cao hơn, không còn người nghèo theo chuẩn quốc gia, nên không vay được từ nguồn này. Nhưng TP có nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm từ nguồn ngân sách TP và vận động. Nguồn vốn này được TP ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội TPHCM để cho vay, giải quyết theo chuẩn nghèo của TP (21 triệu đồng/người/năm).
Bà Hà khẳng định: “Người nghèo, cận nghèo, diện chính sách, dân tộc thiểu số… được vay 100% chi phí đi XKLĐ theo hợp đồng ký kết. Trong đó, nếu khoản vay dưới 50 triệu đồng thì vay tín chấp, trên 50 triệu đồng thì vay thế chấp. Người lao động trong diện này nếu có nhu cầu đi XKLĐ, hoàn toàn có thể được vay ưu đãi 100 triệu đồng từ 2 quỹ là Quỹ Việc làm và Quỹ Xoá đói giảm nghèo”.
Bên cạnh cho vay chi phí đi XKLĐ, bà Trần Lê Thanh Trúc (Phòng Việc làm, Sở LĐTB-XH TPHCM) thông tin thêm, TP còn có chính sách hỗ trợ các chi phí khác như làm hộ chiếu, visa, khám sức khỏe, đào tạo nghề, đào tạo ngoại ngữ…
Tổng mức hỗ trợ của TP cho mỗi lao động khoảng 13 triệu đồng. Người lao động có thể liên hệ các phòng LĐTB-XH quận, huyện để được hỗ trợ, thanh quyết toán lại các khoản chi phí đã bỏ ra nộp cho DN. 
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, cho biết ngay trong tháng 8-2017, sở cùng các DN XKLĐ, trường nghề trực tiếp tới các huyện gặp gỡ, tuyên truyền, vận động người dân - đặc biệt là người nghèo, diện chính sách - đi làm việc ở nước ngoài.
Để có nguồn lao động chất lượng đi XKLĐ, các DN XKLĐ cần phối hợp chặt chẽ, chủ động đặt hàng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gắn đào tạo nghề với XKLĐ. Ông Lâm cũng đề nghị các DN cung cấp cho sở danh sách người lao động do DN đưa đi làm việc ở nước ngoài đã về nước.
Sở sẽ kết nối, giới thiệu nguồn lao động chất lượng này tới các hội ngành nghề, các DN FDI tại TPHCM, giúp người lao động sớm tìm được việc làm phù hợp và ổn định trong nước.
Theo ông Lương Văn Chiến, Phó Giám đốc Công ty Đầu tư thương mại và nhân lực quốc tế (INTIME), người lao động TPHCM thường chọn Nhật Bản vì mức lương hấp dẫn, dao động 25 - 32 triệu đồng/người/tháng. Nhật Bản cũng đang cần rất nhiều lao động để xây dựng cơ sở hạ tầng cho Olympic 2020 và rộng cửa với lao động Việt Nam. Tuy nhiên, các chi phí đi XKLĐ ở Nhật khá cao, khoảng 100 triệu đồng/trường hợp, và đây là một trở ngại với người lao động. Đối với các thị trường có chi phí đi làm việc thấp hơn (khoảng 50 triệu đồng/trường hợp) như Malaysia, Đài Loan, một số nước Trung Đông…, người lao động lại không chọn, bởi mức lương thấp (so với Nhật Bản) và không khác biệt nhiều so với mức lương ở Việt Nam. 

Tin cùng chuyên mục