Gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản - Bài 1: Muôn hình vạn trạng… mất tín hiệu

LTS: Dự kiến vào tháng 6 tới, Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam lần thứ 4 để kiểm tra tiến độ, kết quả thực hiện các khuyến nghị về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) sau gần 5 năm thủy sản Việt Nam bị EC rút “thẻ vàng”. Ngày 13-2, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 81 ban hành kế hoạch 180 ngày hành động để quyết tâm gỡ “thẻ vàng” trong năm 2023.
Cảnh sát biển tuyên truyền pháp luật về IUU cho ngư dân trên vùng biển Thổ Chu thuộc TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang Ảnh: QUỐC BÌNH
Cảnh sát biển tuyên truyền pháp luật về IUU cho ngư dân trên vùng biển Thổ Chu thuộc TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang Ảnh: QUỐC BÌNH

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), mặc dù đến nay đã có gần 100% tàu cá được gắn thiết bị giám sát hành trình (VMS), nhưng ở các địa phương vẫn có tình trạng tàu cá không liên lạc được với đất liền, cơ quan quản lý cũng không biết chủ tàu đang ở đâu, thậm chí có việc nhiều tàu gửi thiết bị giám sát cho một tàu “giữ hộ”.

Tàu cá mất kết nối

Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, tại tỉnh Bình Định, trong 2 năm 2022-2023, có 10 tàu cá đánh bắt vi phạm lãnh hải nước ngoài bị bắt giữ, kiểm soát (đa số là của chủ tàu ở thị trấn Cát Tiến và xã Cát Minh, huyện Phù Cát). Ông Trần Đình Trực, Chủ tịch UBND thị trấn Cát Tiến, cho biết, địa phương đã làm hết mình, nhưng các chủ tàu vẫn cố tình vi phạm. “Họ đi đánh bắt lung tung, không đúng ngư trường, lén sang vùng biển nước ngoài đánh bắt trộm”, ông Trực nói. Để xử lý vấn đề này, tỉnh Bình Định đã lập danh sách 318 tàu cá thường xuyên hoạt động ngoài tỉnh, có nguy cơ vi phạm IUU để giám sát. Còn tại Quảng Ngãi, theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Văn Mười, địa phương cũng có 79 tàu cá không rõ lai lịch, trong đó có chủ tàu là người địa phương nhưng không biết tàu đang ở đâu vì lâu không trở về.

Trong khi đó, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, năm 2022, địa phương đã phát hiện 28 tàu cá có tình trạng gửi VMS trên tàu cá khác. Chỉ riêng từ đầu năm 2023 đến nay, tiếp tục phát hiện 15 VMS của tàu cá Bà Rịa - Vũng Tàu được gửi trên 1 tàu cá tỉnh Tiền Giang; 4 chủ tàu và 15 thuyền trưởng đã bị xử phạt tổng số tiền hơn 3,2 tỷ đồng. Theo ngành chức năng, sở dĩ có tình trạng này một phần vì Điều 20 Nghị định số 42/2019-NĐ-CP (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản) quy định hành vi vô hiệu hóa thiết bị VMS có mức xử phạt lên đến 500 triệu đồng và nếu tái phạm có thể bị phạt đến 700 triệu đồng; trong khi Điều 35 lại quy định hành vi tự tháo VMS trên tàu cá thì chỉ bị xử phạt 3-5 triệu đồng.

Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), tính đến hết năm 2022, cả nước đã có hơn 86% tàu cá được cấp phép khai thác, trong số đó hơn 96% đã được lắp VMS. Nhưng, thực tế vẫn xảy ra tình trạng tàu đã lắp VMS vẫn bị mất kết nối, khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài...

Để hỗ trợ bà con ngư dân, Thiếu tá Đặng Văn Đạo, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sơn Trà (Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng), cho hay đơn vị đã cử người trực tiếp xuống tàu, gặp gỡ thuyền trưởng, thuyền viên phân tích mặt lợi hại khi vi phạm các quy định của IUU, thuyết phục ngư dân cam kết nói không với đánh bắt bất hợp pháp. Các tổ đoàn kết tàu thuyền cũng là đầu mối liên lạc với các đài thông tin của bộ đội biên phòng. Qua thông tin từ các tàu cá, đơn vị cập nhật liên tục diễn biến thời tiết, tàu bị nạn, tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền biển, đảo…

Bất cập với thiết bị giám sát hành trình

Hiện nay, nhiều ngư dân ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, TP Đà Nẵng cũng như một số tỉnh khu vực phía Nam… tiếp tục phản ánh về tình trạng VMS liên tục bị gián đoạn, mà lỗi thuộc về nhà mạng và lỗi thiếu đồng bộ giữa các đơn vị chức năng. Tại xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), nơi có khoảng 1.700 người hành nghề biển với đội tàu cá 483 chiếc (trong đó có 234 tàu đánh bắt xa bờ), ông Phùng Bá Vương, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết, 100% tàu cá đánh bắt xa bờ đã lắp VMS nhưng khi máy bị trục trặc, thuyền trưởng liên hệ với đơn vị cung ứng, kỹ sư để sửa chữa thì kỹ sư ở đất liền, thiết bị hư hỏng ở ngoài khơi. Nhiều tàu vừa mới ra khơi, tốn chi phí nhiên liệu, lao động nhưng VMS hư hỏng vẫn cố gắng cầm cự để khai thác và chấp nhận nộp phạt (theo quy định, trường hợp mất kết nối 10 ngày trên biển thì bị xử phạt vi phạm khai thác IUU).

Ngư dân Nguyễn Việt (xã Bình Châu), thuyền trưởng tàu QNg-90798 TS, bức xúc: “Tàu tôi dài 18m, công suất 400CV và đã lắp đặt VMS nhưng từ khi đưa vào sử dụng hay bị tắt nguồn, không rõ do pin hay chì, cứ mỗi lần sửa mất khoảng 2,5 triệu đồng. Khổ nhất là đang đi biển thì thiết bị mất kết nối, phải nhanh chóng báo cho Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi nắm tình hình và muốn không bị nộp phạt thì phải trở về bờ. Nhưng, đi đánh cá ở khu vực biển Hoàng Sa, Trường Sa thì riêng thời gian đi ra, đi về cũng mất 6-7 ngày”.

Theo ông Nguyễn Văn Mười, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay, ở Quảng Ngãi có 9 doanh nghiệp cung cấp 10 loại thiết bị VMS cho tàu cá. Nhưng, khi xảy ra sự cố, thiết bị hư hỏng, tắt nguồn… các đơn vị cung cấp thiết bị lại chậm hỗ trợ ngư dân nên tàu cá mất kết nối. Các doanh nghiệp hầu hết ở Hà Nội và TPHCM, hợp đồng riêng với chủ tàu nên chính quyền địa phương khó can thiệp về pháp lý. Qua theo dõi hệ thống giám sát tàu cá, từ đầu năm đến nay, Quảng Ngãi phát hiện 5 tàu cá vượt khỏi sơ đồ trên phần mềm của hệ thống giám sát và 70 tàu cá mất kết nối trên biển hơn 10 ngày… Về vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, các đơn vị của tổng cục sẽ làm việc với nhà mạng, đơn vị cung cấp thiết bị để làm rõ nguyên nhân sự cố là do đơn vị cung cấp thiết bị và nhà mạng hay do tàu cá cố tình tắt thiết bị, định vị để có hướng xử lý kịp thời, phù hợp.

Mở đợt cao điểm chống khai thác hải sản bất hợp pháp

2 tỉnh Kiên Giang, Cà Mau đang mở đợt cao điểm phối hợp nhiều lực lượng (cảnh sát biển, biên phòng, kiểm ngư…) cùng các địa phương có biển, ngư dân triển khai các biện pháp, nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của EC. Tỉnh Cà Mau là địa phương có số lượng tàu cá lớn ở ĐBSCL với hơn 4.310 phương tiện (có đăng ký); trong đó có 1.588 phương tiện từ 15m trở lên, 100% tàu cá đang hoạt động đã lắp đặt VMS. Nhiều năm qua, do ngư trường ngày càng cạn kiệt nên không ít ngư dân đưa tàu khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, với quyết tâm của các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mạnh tay xử lý nên việc tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài ngày càng giảm. Từ đầu năm 2023 đến nay, không có tàu cá của tỉnh Cà Mau bị nước ngoài bắt giữ.

Để góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” của EC, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm quy định chỉ tiêu hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản; đăng ký, đăng kiểm; lắp đặt VMS; cấm phát triển nghề lưới kéo, tạm dừng văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán tàu cá; thực hiện chính xác, minh bạch việc xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thống kê sản lượng thủy sản khai thác đúng quy định. Còn ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết, trong năm 2023, địa phương tổ chức 2 đợt cao điểm chống khai thác IUU. Tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá rời - cập cảng, xuất - nhập bến, đảm bảo đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật tàu cá, đăng ký tàu, an toàn thực phẩm, giấy phép khai thác, nhật ký khai thác, VMS và những vấn đề có liên quan khác. Đồng thời, địa phương lập danh sách tàu cá có dấu hiệu, nguy cơ cao vi phạm IUU để theo dõi, quản lý và cảnh báo.

Tin cùng chuyên mục