UBND TPHCM đã thu hồi 536 dự án bất động sản chậm triển khai. Đây là một nỗ lực đáng ghi nhận của TPHCM trong việc xóa dự án “treo”, trả lại quyền lợi hợp pháp cho người dân trong vùng dự án “treo”. Tuy nhiên, một nguyên nhân làm chậm triển khai dự án còn do ma trận thủ tục.
* Ông Quách Hồng Tuyến - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM: Sửa đổi thủ tục cấp phép xây dựng
Để giải quyết các vướng mắc trong thủ tục xây dựng cho người dân cũng như DN trong khi chờ bộ - ngành ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung, chỉnh sửa các quy định liên quan, Sở Xây dựng TPHCM cũng dự thảo Quyết định sửa đổi QĐ 21/2013 quy định chi tiết một số nội dung về cấp phép xây dựng trên địa bàn TPHCM một số nội dung nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong cấp phép xây dựng và giảm một số thủ tục hành chính liên quan, trong đó có điều chỉnh quy định các công trình của dự án đầu tư thuộc khu vực đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 thì không phải xin cấp phép xây dựng theo quy định tại NQ 43/2014 của Chính phủ.
Tuy nhiên, để đảm bảo cho các khu dân cư, dự án được đảm bảo hạ tầng kỹ thuật kết nối với các khu vực xung quanh, Sở Xây dựng cũng đã kiến nghị TP quy định rõ các dự án này mặc dù không phải xin phép xây dựng nhưng phải xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ nhằm tránh các trường hợp nhiều dự án sau khi xây dựng xong không có đường sá, cống thoát nước… tại một số quận-huyện như hiện nay.
Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng đã đưa vào dự thảo sửa đổi QĐ 21 việc không quy định chủ đầu tư phải thực hiện bản vẽ kết cấu công trình vào hồ sơ xin cấp phép xây dựng mà sau khi được cấp phép xây dựng, chủ đầu tư mới phải lập bản vẽ này, trình cơ quan thẩm tra theo đúng quy định tại Nghị định 15/2013 của Chính phủ và Thông tư số 10/2013 của Bộ Xây dựng quy định về về quản lý chất lượng công trình. Hiện dự thảo này đã được Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín đưa ra lấy ý kiến các sở-ngành, quận-huyện và Sở Xây dựng cũng đã hoàn chỉnh và trình UBND TP theo tinh thần trên. Dự kiến UBND TP sẽ xem xét, thông qua trong tháng 7-2014.
* Ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM: Giảm 40% thời gian làm thủ tục đầu tư bất động sản, bao giờ?
Chính phủ ban hành Nghị quyết 43/NQ-CP ngày 6-6-2014 có hiệu lực ngay từ ngày ký, về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó quy định phải giảm ít nhất 40% thời gian làm thủ tục hành chính được doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đặc biệt mong chờ. Tuy nhiên, không hiểu sao, đã hơn một tháng trôi qua kể từ khi Nghị quyết có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội Bất động sản TPHCM vẫn chưa được triển khai các thủ tục đầu tư theo tinh thần của Nghị quyết này?
Nghị quyết đã quy định khá rõ nhiều loại thủ tục phải cắt bỏ như về thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng (mục c, Điều 2): “Không yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép quy hoạch, các nội dung của giấy phép quy hoạch phải được thể hiện ngay trong nội dung kết quả giải quyết thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Không yêu cầu nhà đầu tư phải nộp trích lục bản đồ địa chính hoặc phải thực hiện trích đo địa chính khu đất trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư. Nhiệm vụ này thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư.
Nghiên cứu áp dụng cơ chế một cửa liên thông trong việc thực hiện thủ tục thẩm định nhu cầu sử dụng đất, thẩm định điều kiện giao đất, cho thuê đất với các thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với các dự án đầu tư phải thực hiện các thủ tục thẩm định trên. Không yêu cầu thực hiện việc cấp giấy phép xây dựng đối với công trình của dự án đầu tư thuộc khu vực đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500.
Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình có liên quan đến việc xác nhận, nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng của nhiều cơ quan quản lý nhà nước khác nhau, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng chủ trì, tiếp nhận đề nghị của nhà đầu tư và thành lập đoàn công tác liên ngành để tiến hành xác nhận, nghiệm thu cho nhà đầu tư. Không tổ chức thành nhiều đoàn kiểm tra, nghiệm thu.
Số lần kiểm tra, nghiệm thu phụ thuộc vào quy mô và tính chất kỹ thuật của công trình nhưng tối đa không quá 4 lần đối với công trình cấp đặc biệt, không quá 3 lần đối với công trình cấp I và không quá 2 lần đối với các công trình còn lại, trừ trường hợp công trình có sự cố về chất lượng trong quá trình thi công xây dựng hoặc trong các trường hợp khác do nhà đầu tư đề nghị…”. Rõ ràng như thế, sao không sớm thực hiện?
* TS Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Phát triển nhà Thủ Đức: “Khơi thông” lòng tin của doanh nghiệp
Giá nhà, đất tại Việt Nam cao cũng có một phần nguyên nhân từ thủ tục. Thủ tục càng nhiều, thời gian thực hiện càng lâu thì chi phí càng lớn, do đó tạo nên giá thành sản phẩm cao là điều khó tránh khỏi. Một dự án phát triển nhà ở thông thường kéo dài từ 3-4 năm mới có thể khởi công từ lúc bắt đầu triển khai đầu tư, cá biệt có những dự án kéo dài đến cả chục năm. Nói đến thủ tục nhà đất tại Việt Nam từ người dân đến doanh nghiệp ai cũng ngán ngẩm. Chính vì vậy, Nghị quyết 43/2014 rất phù hợp và đáp ứng mong đợi của nhà đầu tư. Chỉ đạo “cắt giảm ít nhất 40% thời gian thực hiện” là người đứng đầu Chính phủ đã thấu hiểu nỗi khổ của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Hàng loạt nội dung từ Nghị quyết đã “chỉ đúng tên, gọi đúng bệnh” mà lâu nay người dân - doanh nghiệp kêu ca, tác động xấu đến môi trường đầu tư. Cụ thể tại Khoản h Điểm 1 Điều 2, nghị quyết yêu cầu “Không yêu cầu thực hiện việc cấp phép xây dựng đối với công trình dự án đầu tư thuộc khu vực đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500”. Chỉ riêng quy định này đã tháo gỡ khó khăn cho hàng loạt doanh nghiệp, người dân đang ngắc ngứ vì trước đó dù dự án đã được phê duyệt quy hoạch 1/500, có mẫu nhà nhưng khi người dân muốn xây nhà cũng phải xin phép (Báo SGGP ngày 20-4-2014 có bài “Mắc kẹt vì đất nền dự án - PV”).
Thủ tướng đã chỉ đạo, các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi thẩm quyền có trách nhiệm xây dựng văn bản sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ hoặc bãi bỏ các quy định về thủ tục hành chính theo các nhiệm vụ đã được phê duyệt của Nghị quyết này để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trước ngày 15-10-2014. Đến nay đã gần hết tháng 6-2014, cũng có nghĩa là doanh nghiệp đã đi hết 1/2 chặng đường làm ăn của một năm.
Như vậy sự khởi đầu cho những quy định mới từ Nghị quyết này xem như gần hết năm nay mới có thể triển khai được. Người dân, doanh nghiệp đề nghị các cơ quan chức năng cần nhanh chóng triển khai những quy định mới để “khơi thông” lòng tin cho doanh nghiệp, người dân.
NHÓM PV (ghi)