Gốc rễ của bạo loạn

Mấy ngày qua, điện thoại hỏi thăm, tin nhắn từ bạn bè khắp nơi ồ ạt gửi đến tôi. Bạo loạn tồi tệ chưa từng có ở một số thành phố của Anh khiến chúng tôi vô cùng giận dữ, xót xa và lo lắng. Tất cả mọi người đều hoang mang với câu hỏi: tại sao? Nhưng dường như tìm câu trả lời không dễ dàng.

Có ý kiến cho rằng nguyên nhân do quan hệ giữa cảnh sát và người nhập cư không thân thiện, sự bất bình đẳng ngày càng tăng, và đặc biệt là chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ khiến nhiều người rơi vào tình cảnh thất nghiệp, hoặc không nuôi nổi gia đình trong bối cảnh lương không tăng mà lạm phát đang tăng, thanh niên nghèo không thể vào nổi đại học…

Chính phủ của Thủ tướng David Camreron đã đề ra kế hoạch cắt giảm ngân sách gần 130 tỷ USD trong giai đoạn 2011-2015, chủ yếu bằng việc không tăng lương cho công chức và xóa bỏ hơn 300.000 việc làm trong khu vực công. Trong đó, giảm 3,4 tỷ USD bằng cách cho nghỉ việc 16.000 nhân viên cảnh sát và số lượng tương đương nhân viên an ninh đảm trách công việc dân sự (không biết có phải vì thế mà cảnh sát không đủ lực giải tán đám đông bạo loạn?).

Nhưng có lẽ nguyên nhân quan trọng nhất là khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng tăng. Báo chí dẫn lời ông Diane Abbott, nhà lập pháp thuộc Công đảng, khẳng định như thế. Luân Đôn là nơi thể hiện sự bất bình đẳng rõ rệt nhất ở Anh. Hiện 20% số người giàu ở Luân Đôn nắm giữ 60% tổng thu nhập tại đây. Mặt khác, mức lương không đuổi kịp tốc độ lạm phát. Lạm phát ở Anh từ đầu năm đến nay luôn ở mức trên 4,2%, hơn gấp đôi so với mức 2% mà những nhà làm kinh tế ở Anh mong muốn kéo về.

Hầu hết những cá nhân tham gia gây bạo loạn thuộc nhóm thanh thiếu niên từ 15 đến 24 tuổi. Người ta sẽ hiểu vì sao nếu nhìn vào báo cáo thất nghiệp trong giới trẻ: Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh thiếu niên tăng dần, không ngừng “lập kỷ lục” với mức 19%, so với kỷ lục được lập đầu thập niên 90 là 15%. Luân Đôn ngày càng có nhiều gia đình sống hoàn toàn bằng tiền trợ cấp của chính phủ.

Khảo sát mới nhất của EU chỉ ra: 600.000 người Anh dưới 25 tuổi chưa trải qua một ngày làm việc nào. Khoảng 17% những người trẻ ở Anh quốc được xếp vào nhóm “NEETs” (không việc làm, không giáo dục, không được đào tạo). Tỷ lệ này xếp thứ 4 ở châu Âu. “Thế hệ bị bỏ rơi” là tên gọi dành cho nhóm thanh niên này. Họ góp phần không nhỏ dẫn đến 3,5 triệu đơn tố cáo gửi đến cảnh sát Anh liên quan đến những vụ bạo lực trên đường phố (thật ra, con số này chỉ chiếm 1/4 số vụ xảy ra trên thực tế). Báo Washington Post của Mỹ còn nhận định cay đắng: “Cuộc bạo loạn đã phơi bày một thế hệ thanh niên tuyệt vọng đang bị chôn vùi trong xã hội Anh”. Hơi quá đáng, nhưng tiếc thay đó là sự thật.

Hình ảnh những tòa nhà trên đường phố Luân Đôn bị thiêu rụi, nhận chìm trong bạo loạn điên cuồng là cú sốc quá lớn! Họ đập phá tất cả, kể cả những cửa hàng bán các vật làm từ thiện! Càng tức giận hơn khi biết những người trẻ ấy tỏ ra phấn khởi và hân hoan khi tham gia hủy hoại những gì mà họ không mất công sức gầy dựng nên với tâm lý được khẳng định bản thân trong một sự kiện chưa từng có! Họ đã quá buồn chán với mức trợ cấp 250 USD/tháng và quanh quẩn góc nhà, nhàn rỗi và vô dụng.

Nhưng Chính phủ Anh có lẽ không muốn thừa nhận sự thật này.

Nguyễn Huy

Tin cùng chuyên mục